Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“CON HÃY BAY THẬT CAO, THẬT XA...”

(NCTG) “Con từ giã cõi đời, về với cát bụi. Từ nay, bố mẹ, em Picur, những người ruột thịt, những người bạn thân quen của gia đình và các bạn bè của con sẽ không được nhìn thấy con nữa. Có nỗi đau nào sánh được nỗi đau này không con?”.
Tuấn Linh, chàng trai có nụ cười tỏa sáng, nay đã đi xa... - Ảnh do gia đình cung cấp
Lời Tòa soạn: Ngày 29-3-2021, bà con Việt Nam tại Hungary bàng hoàng truyền nhau một tin dữ: Nguyễn Tuấn Linh, chàng thanh niên 34 tuổi, làm việc tại Công ty IBM Hungary, sau gần 3 tuần vật lộn và chiến đấu kiên cường với dịch Covid-19, đã qua đời vào tối 28-3 do những hậu quả và biến chứng của căn bệnh quái ác.

Tuấn Linh là thành viên đầu tiên của cộng đồng Việt Nam tại Hungary ra đi sau nhiều ngày nằm viện vì Covid-19 kể từ khi đại dịch này xuất hiện ở nước Hung vào ngày 4-3-2020 và tới nay, trong những ngày gần đây, liên tục khiến nước sở tại đứng đầu Liên Âu về tỷ​ lệ tử vong, và số ca nhiễm mới rất “khủng” hàng ngày.

Chào đời và trưởng thành trong một gia đình trí thức Việt Nam định cư tại Hungary từ nhiều thập niên nay, có cha là anh Nguyễn Bá Hiệp, một gương mặt tích cực của phong trào cộng đồng từ những năm 90 thế kỷ trước, chàng trai Tuấn Linh được các bác sĩ đánh giá là “không có bệnh nền và các yếu tố liên quan khác”.

Theo thổ lộ của chị Nguyễn Tuyết Trinh, mẹ của Tuấn Linh, “cháu rất khỏe mạnh, ăn uống khoa học, không hút thuốc, ít uống rượu, chăm tập gym và đi xe đạp”. Chính vì thế, sự ra đi của Tuấn Linh càng khiến cộng đồng bất ngờ và ngỡ ngàng​, và nhận ra dịch bệnh nguy hiểm đến chừng nào, nhất là vào giai đoạn này.

Giờ là lúc Covid-19 dường như nhằm vào giới trẻ, có thể tấn công và hạ gục cả những thanh niên trai tráng, hoặc khiến họ lâm bệnh nặng, dễ dẫn đến những tai biến nguy hiểm - kể cả tử vong - như nhận xét của giới chuyên môn Hungary, khiến các khu điều trị tích cực của Hung tràn ngập bệnh nhân ở tuổi thanh niên.

Được sự đồng ý của gia đình, NCTG xin giới thiệu những dòng chia tay Tuấn Linh của người mẹ, chị Nguyễn Tuyết Trinh. Cảm động và chân thành, buồn bã và đau xót đến tận cùng, nhưng bài viết cũng để chúng ta ý thức được rằng, Covid-19 là có thực, không chỉ là “cúm thôi mà, có gì đâu” như nhiều người còn suy nghĩ.

Nhận ra được sự khủng khiếp của dịch bệnh để phòng ngừa cũng là mong muốn của chị Nguyễn Tuyết Trinh khi trong một trao đổi cá nhân, chị nói rằng chị mong “những tâm sự này nhận được sự đồng cảm của các gia đình, bạn bè, và để mọi người chú ý, đừng chủ quan khi không may gặp phải loại virus khốn nạn này”.

“Những ngày sống trong đau khổ mà không thể chia sẻ với con thực sự là cơn ác mộng” - hy vọng những dòng của chị Nguyễn Tuyết Trinh có thể cũng khiến chúng ta bớt chần chừ, so đo với câu hỏi “tiêm hay không tiêm”, bởi ích lợi của vaccine lớn hơn rất nhiều so với rủi ro (trên lý thuyết và cả thực tế) mà nó có thể gây ra.

NCTG xin gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình anh Hiệp, chị Trinh, và trân trọng giới thiệu tới độc giả! (NCTG)

 
Tuấn Linh cùng cha, mẹ và em trai Picur (Nguyễn Bá Long) - Ảnh do gia đình cung cấp
Tuấn Linh cùng cha, mẹ và em trai Picur (Nguyễn Bá Long) - Ảnh do gia đình cung cấp
 
TÂM SỰ VỚI CON TRAI CỦA MẸ

Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất con.

Những ngày này, gia đình mình đang chìm trong bóng tối, làm sao để vượt qua nỗi đau mất con đây. Hai mươi ngày qua, con đã phải chống chọi với Covid trong đau đớn. Cha mẹ bất lực vì biết con đau, con bệnh mà không thể làm gì cho con, không thể gặp con, không thể động viên, an ủi, không thể nắm tay con. Đau quá con ơi!

Đối với bố mẹ, chưa bao giờ bố mẹ phải sống trong những ngày dài lo âu, những đêm thức trắng với bao sự bất an như những ngày này, thật sự rất khó khăn.

Bắt đầu từ ngày 9-3, con nói với bố mẹ: “Con mệt lắm!”.

Dặn con phải cẩn thận, uống thuốc, kiểm tra thân nhiệt, con nói: “Con không sốt, chỉ mệt thôi”.

Ngày 10-3, con nói: “Con không sốt, hết mệt rồi, bố mẹ đừng lo lắng”.

Ngày 11-12-3, sức khỏe của con vẫn ổn, bố mẹ vui mừng nghĩ rằng không phải con bị nhiễm Covid, ôi may quá.

Ngày 13-3, con nói hơi bị mệt, bố lo lắng gọi cấp cứu cho con, họ đến nhưng con không chịu đi viện vì cho rằng mình chỉ mệt thôi.

Ngày 17-3, sáng sớm, con nhắn tin bảo bố gọi cấp cứu cho con. Khoảng 9h, con nhắn lại là đã vào viện rồi.

Tối 17-3, bệnh viện báo tin khi mới vào con rất mệt, giờ họ đã cho con dùng mặt nạ ôxy nên con đã khá hơn rồi. Bố mẹ hồi hộp lo âu, trắng đêm không ngủ, thương con quá con ơi.

Tối 18-3, bệnh viện báo tin con vẫn tỉnh táo, ăn được, nỗi lo trong lòng bố mẹ vơi đi một chút, đã có chút hy vọng rồi con ơi!

Ngày 19-3, con nhắn tin cho bố mẹ nói là vẫn tỉnh táo, bảo bố mẹ gửi đồ ăn cho con vì con đói lắm. Bố mẹ mừng quá, báo tin với bạn bè rồi vội vàng mang đồ ăn vào viện gửi cho con, hy vọng con vẫn khỏe.

Nhưng đến tối, bệnh viện báo tin con khó thở, đã phải cho con dùng máy trợ thở. Bố mẹ lại thót tim, lại một đêm không ngủ, thương con mà không thể ở bên con, thật sự là quá đau long!

Ngày 20-3, sau 1 ngày phải dùng máy thở, con đã có chút tín hiệu tốt. Bố mẹ lại mong manh hy vọng, mong con sớm bình yên trở về với gia đình.

Từ ngày 21-3 cho đến ngày 25-3, các bác sĩ cho biết sức khỏe con đang dần tốt lên, các chỉ số xét nghiệm cũng tốt hơn nhiều, có lẽ sẽ giảm dần thuốc ngủ để đánh thức con dậy và dần cai máy thở cho con. Có một bác sĩ người Việt làm ở khoa con nằm còn nhắn tin cho bố mẹ rằng, con đã qua giai đoạn nguy hiểm, bố mẹ đã vui mừng và hy vọng biết bao nhiêu.

Nhưng, thật không thể tưởng tượng nổi, hy vọng bao nhiêu thì đau đớn bấy nhiêu! Trưa ngày 26-3, bệnh viện gọi điện báo tin tình trạng sức khỏe của con đột ngột chuyển biến rất xấu, cơ thể con không tiếp nhận hỗ trợ thở nữa, tính mạng con ngàn cân treo sợi tóc! Lúc nghe tin này, bố mẹ chỉ biết gào khóc trong vô vọng, đau quá con ơi, thương con quá con ơi.
 
Những ngày vui một thuở... - Ảnh do gia đình cung cấp
Những ngày vui một thuở... - Ảnh do gia đình cung cấp

Chiều ngày 26-3, bệnh viện nói sẽ cho con chuyển qua điều trị ECMO (*), hy vọng sẽ cứu được con, bố mẹ luôn mong mỏi dù chỉ còn 1% tia hy vọng thì vẫn mong các bác sĩ làm đến cùng.

Trưa ngày 27-3, lại một tin xấu đến với bố mẹ: cơ thể con không chấp nhận ECMO! Vậy là con lại đứng bên bờ vực thẳm, bố mẹ lại gào khóc trong vô vọng, tại sao ông Trời lại bất công với con,bất công với gia đình mình như vậy?

Khoảng 5h chiều, các bác sĩ nói vừa chụp CT thấy chảy rất nhiều máu trong não của con, không cứu được con nữa rồi. Nghe tin dữ này, bố mẹ hoảng loạn tinh thần, gào khóc gọi con, gào thét gọi bạn bè, ai cũng xót thương cho con, ai cũng khóc cho con. Đau đớn quá con ơi!

5h30 chiều, bệnh viện cho bố mẹ gặp con qua Messenger chừng 20 giây, qua màn hình, bố mẹ thấy con vẫn đẹp trai như thường ngày, bình yên như đang trong giấc ngủ say. Bố mẹ sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của con lúc này!

7h27 tối ngày 28-3-2021 (tức 16 tháng Hai Âm lịch năm Tân Sửu), con từ giã cõi đời, về với cát bụi. Từ nay, bố mẹ, em Picur (**), những người ruột thịt, những người bạn thân quen của gia đình và các bạn bè của con sẽ không được nhìn thấy con nữa. Có nỗi đau nào sánh được nỗi đau này không con?

Con, chàng trai tính tình nóng nảy, bướng bỉnh nhưng luôn vui vẻ, yêu thương gia đình, luôn muốn tổ chức những chuyến du lịch cả gia đình, luôn thích được về Việt Nam chơi. Giờ thì con hãy bay thật cao, thật xa để làm những điều con yêu thích.

Chàng thanh niên cao lớn, khỏe mạnh và rất đẹp trai mang tên Nguyễn Tuấn Linh của bố mẹ! Bố mẹ và gia đình rất rất yêu con, hãy thật bình an con nhé. Nhớ con rất nhiều!

Ghi chú:

(*) ECMO (tim phổi nhân tạo - Extracorporeal Membrane Oxygenation) là tên viết tắt của phương pháp “ôxy hóa qua màng ngoài cơ thể”, sử dụng tuần hoàn và trao đổi ôxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng, đe dọa tính mạng, được chăm sóc trong đơn vị hồi sức tích cực (ICU) của bệnh viện.

ECMO được sử dụng để giúp đỡ những bệnh nhân mà: 1. Phổi không thể cung cấp đủ ôxy (O2) cho cơ thể ngay cả khi cho thở thêm ôxy. 2. Phổi không thể thải trừ carbon dioxide (CO2) ngay cả với sự giúp đỡ từ một máy thở. 3. Tim không thể bơm đủ máu cho cơ thể.


(**) Nguyễn Bá Long, em trai của Tuấn Linh, tốt nghiệp Đại học Ludwig-Maximilians ở TP. München (Đức), hiện làm việc trên cương vị lập trình viên tại đây.​

Tác giả bài viết: NCTG