Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÁC SĨ CỦA TÌNH YÊU

(NCTG) “Giá có một danh hiệu “Bác sĩ của tình yêu”, mình muốn được dùng nó mỗi khi nhớ tới, nhắc tới BS. Đào Xuân Dũng!”.

BS. Đào Xuân Dũng (phải) và bạn hữu - Ảnh: Trần Lê

Ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước châu Á khác, việc giáo dục giới tính, hoặc bàn đến những vấn đề có liên quan tới tính dục và giới tính, có thời đã bị coi là “cấm kỵ” và luôn bị né tránh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cho dù, lần lại lịch sử, có thể nói rằng nền văn minh Á châu thực chất đã đả động và tiếp cận vấn đề này từ mấy ngàn năm trước: hiện tại, những pho sách cổ về đề tài này như “Tố Nữ Kinh”, “Hoàng Đế Nội Kinh”, “Kama Sutra”... đã được coi là những “tàng thư” kinh diển của văn hóa tính dục thế giới.

Tại Việt Nam, chỉ trong những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, giáo dục giới tính mới bắt đầu được nhắc đến và từng bước được chú ý. Khái niệm “sức khỏe tình dục”, “sức khỏe sinh sản”... được đưa ra và được giới khoa học, tâm lý học và xã hội học mổ xẻ từ nhiều cách nhìn khác nhau. Trên báo chí và các phương tiện truyền thông, tính dục không còn là một đề tài taboo - cho dù việc hiểu đúng về những vấn đề “nóng bỏng” của đề tài này, như đồng tính luyến ái, tình dục với tuổi già, tình dục với phụ nữ đơn thân... vẫn còn là điều chưa thể thực hiện được trong một sớm một chiều.

Trong số các tác giả quen biết nhất ở Việt Nam về vấn đề này, phải kể đến bác sĩ Đào Xuân Dũng. Vốn là bác sĩ sản khoa, từ năm 1993, ông cộng tác rộng rãi với các báo, tạp chí như “Tiền Phong”, “Sức khỏe và Đời sống”, “Gia đình và Xã hội”, “Thế Giới Mới”, “Thế giới Quanh ta”... Ông là tác giả của hàng trăm bài báo, trong số đó có những loạt bài viết cho các chuyên mục về y tế thường thức, sức khỏe thường thức... rất có ích cho các độc giả đang gặp một vấn đề cụ thể về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tình dục.

Hơn thế nữa, không dừng ở đó, những vấn đề y học, sức khỏe và bệnh lý còn được BS. Đào Xuân Dũng phân tích và kiến giải trên bình diện xã hội, văn hóa, thể thao, lịch sử... khiến các bài viết của ông luôn hấp dẫn, dễ đọc và độc giả sẽ có nhiều hứng thú khi đọc chúng. (BS. Đào Xuân Dũng đã đã cho ấn hành 3 cuốn sách: “Giáo dục tính dục”, NXB Thanh niên, 2000; “Giáo dục giới tính - Vì sự phát triển của vị thành hôn”, NXB Vụ Đại học, 2002; “Hỏi đáp về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục”, NXB Thanh niên, 2002).

Từ số này trở đi, NCTG sẽ đăng tải một số bài viết của BS. Đào Xuân Dũng về cả hai khía cạnh trên. Bạn đọc NCTG có nhu cầu giải đáp bất cứ vần đề nào của cá nhân liên quan đến y tế và sức khỏe, xin gửi thư hoặc gọi điện về NCTG,chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi của bạn đến BS. Đào Xuân Dũng và các bạn sẽ nhận được hồi âm của bác sĩ theo đường thư riêng, hoặc trả lời chung trên báo.

Xin cám ơn BS. Đào Xuân Dũng đã cung cấp các bài viết và nhận trả lời câu hỏi (thông qua NCTG). Mời các bạn theo dõi!
”.
 
*

Những dòng giới thiệu trên, mình viết cách đây cũng đã chục năm, từ Hà Nội, nhân dịp NCTG đăng bài viết đầu tiên, rất đặc sắc của BS. Dũng, về đề tài tình yêu tuổi già nhân việc một vị giáo sư khả kính tái giá ở ngưỡng thất thập với một phụ nữ trẻ hơn ông ba chục tuổi, khiến dư luận bàn tán râm ran với một số ý kiến chê bai, dè bỉu. Bài viết “Tình yêu không có tuổi” ra mắt trên NCTG số ra ngày 19-12-2003 - mình chọn bài đó trong số bốn, năm chục bài mà ông đã tặng cho báo, với lời nhắn gửi tùy nghi sử dụng.

Đó là lần đầu tiên mình có dịp hầu chuyện và tiếp xúc BS. Dũng trong khoảng thời gian đủ để cảm nhận và đánh giá được những gì ông làm, mặc dù trước đó mười mấy năm, mình cũng đã được gặp ông tại Budapest, trong chuyến du hành qua Ba Lan thăm con gái và nhân tiện vòng sang Hungary du ngoạn, cũng như thăm thân mẫu mình, vốn là một đồng nghiệp thân thiết hồi cả hai còn cùng làm việc tại Viện C (Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em, Hà Nội).

Dạo đó, BS. Dũng là chuyên gia y tế tại Algeria và ấn tượng nhất với mình là sự tự tin trong giao tiếp của ông. Mình đã có một buổi cuốc bộ đường phố Budapest cùng ông - cuốn phim 36 kiểu hai chú cháu chụp với nhau, đến khi đi rửa loại “2 tiếng lấy ngay” (của hãng Kodak, dường như là “tân tiến” nhất trong phe XHCN?) thì bị hỏng hết, cũng chả rõ tại sao. Mình còn nhớ, ông tiếc rẻ lắm, cứ hỏi mãi anh kỹ thuật viên là lý do tại sao, do máy ảnh hay do cái gì, nhưng cũng không được câu trả lời xác đáng nào!

Cũng trong dịp đó, nhân chuyện trò về giá trị của những khoảnh khắc trong cuộc đời được ghi nhận tại trong những “pô” ảnh, mình còn nhớ đến giờ một câu danh ngôn của Tây (?) mà ông nhắc lại với vẻ mặt rất quan trọng và thấm thía: “Kỷ niệm không phải là những cái đã trôi qua, mà là những cái còn đọng lại...”. Câu rất hay, mình vẫn nhắc lại trong những dịp cần “triết ný”, nhưng chiểu theo đó thì dịp ấy, vì những lý do kỹ thuật rất trời ơi đất hỡi mà hai chú cháu đã không còn những kỷ niệm đọng lại qua ảnh.

Bẵng đi hơn một thập niên, gặp lại ông giữa đất Hà Thành, mình thấy ông vẫn phong độ và lịch lãm với bề dày văn hóa mà không nhiều bác sĩ có được. Tập tư liệu ông tặng NCTG - gồm rất nhiều bài viết chủ yếu về đề tài sức khỏe tình dục - khiến mình thực sự ngạc nhiên. Các vấn đề chuyên môn được ông mổ xẻ và khai thác không chỉ dưới góc độ khoa học: vô số kiến thức, hiểu biết trên bình diện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... Đông Tây kim cổ đã được ông vận dụng thuần thục và hợp lý, khiến các bài viết của ông đọc rất “vô”, rất thú vị.

Tuy nhiên, điều khiến các bài viết của BS. Dũng, theo mình, có phần nổi trội hơn của các tác giả nổi tiếng khác trong ngành, là do ông có cách tiếp cận vấn đề với quan điểm một cách hết sức khai phóng. Bênh vực nhu cầu tình yêu và tình dục của người cao tuổi, của phụ nữ đơn thân, cảm thông và đứng về phía những người có thiên hướng tình dục không phổ biến, không ngại ngần khi đi sâu vào những vấn đề thầm kín nhất, “nhạy cảm” nhất từ góc độ nhân văn và văn hóa... là những điểm khiến mình rất tâm đắc với những bài của ông.

Hơn nữa, dưới con mắt và sự kiến giải của BS. Dũng, tất cả các nhu cầu tính dục nam nữ, đặt trên góc độ đem lại cảm xúc, niềm vui, sự hứng khởi cho những cá nhân, đều phải được trân trọng và hiểu đúng với tính chất của nó. Ở đây, mình tin rằng với những bài viết của mình trên các mặt báo (riêng NCTG đã được hân hạnh đăng vài chục bài của ông), BS. Dũng đã xóa được không ít định kiến và mặc cảm liên quan tới tính dục tại Việt Nam, một đất nước mà trong thời gian rất dài, đề tài này đã bị hiểu sai, bị đè nén bởi những cái mượn danh “truyền thống”, “thuần phong mỹ tục”...
 
*

Sau dịp ấy, mình còn được gặp BS. Dũng trong lần về thăm nhà thứ hai cách đây 4 năm. Được ông mời qua nhà ăn trưa, hoặc bữa khác ăn phở sáng, và nhất là được tham dự những buổi “đàm đạo” cùng nhóm bạn hữu của ông, đều là những trí thức Hà Nội làm việc trong nhiều lĩnh vực. Qua câu chuyện rất rôm rả và đề tài thì thật phong phú, cởi mở, mình hiểu rằng ngoài những vấn đề chuyên môn, BS. Dũng còn có sự quan tâm sâu sắc tới chuyện thời cuộc, “quốc gia đại sự”, cho dù ông ít nói ra, mà thường chỉ ngồi nghe.

Có lẽ vì vậy, thời gian gần đây, mình hay thấy tên ông trong những thư ngỏ, kiến nghị về những vấn đề trọng đại của đất nước, trên cương vị người ký ủng hộ. Đặc biệt, ngay cả khi đã bắt đầu lâm trọng bệnh, BS. Dũng vẫn là con người thông tuệ với sự chú tâm đến những vấn đề lớn, và sức làm việc phi thường trên giường bệnh. Ông vẫn ra sách, vẫn gắng sức, vẫn trả lời điện thư dù chỉ vài đôi dòng - cho dù, chắc ông cũng biết, căn bệnh hiểm nghèo và trầm kha không cho ông quá nhiều thời gian.

Dầu sao đi nữa, nghe tin ông qua đời hôm 1-3 vừa rồi, mình vẫn thấy hết sức bất ngờ và đau buồn. Đúng hôm ấy, một người bạn sau chuyến về thăm nhà, khi sang lại Hungary đã cầm hộ mình 2 cuốn sách mới nhất mà ông gửi tặng - khi nhận được, mình đã chụp ngay bìa sách với ý giới thiệu vài dòng về BS. Dũng và những bài viết của ông. Nhưng rồi bận bịu công việc, để đó, lần lữa, hôm nay mới giật mình khi biết rằng ông không còn nữa...

Lần giở lại những bài viết ông gửi trong gần ấy năm còn giữ trong hộp thư, mình bần thần nghĩ rằng, trong hai chục năm qua, không biết BS. Dũng đã đưa ra được những thông tin, những lời khuyên hữu ích cho bao gia đình, bao cặp yêu nhau? “Nhu cầu che chở và được che chở, nhu cầu gắn bó với người mình yêu quý, nhu cầu được chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn là những nhu cầu không bao giờ tàn héo theo thời gian” - ông đã viết như thế trong bài đầu tiên đăng trên NCTG, và mình nghĩ chắc không ai có thể phủ nhận được điều đó.

Cũng như, giá có một danh hiệu “Bác sĩ của tình yêu”, mình muốn được dùng nó mỗi khi nhớ tới, nhắc tới BS. Đào Xuân Dũng! Vĩnh biệt ông!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh