Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


PHỤ NỮ CŨNG NÊN TỨC GIẬN!

(NCTG) Phụ nữ chúng ta thường xấu hổ mỗi khi phải tức giận, vì như thế là „không nên”, „không nữ tính”, vì „phàm là” phụ nữ thì luôn phải nhu mì, dịu dàng, „đi nhẹ nói khẽ cười duyên”, v.v... Chúng ta luôn giấu kín sự giận giữ trong lòng. Nhưng các nhà tâm lý học khẳng định rằng che giấu nỗi tức giận bằng nụ cười là một điều hết sức có hại. Sự giận dữ đơn thuần là một trạng thái cảm xúc, giống như niềm vui hay nỗi buồn, không tốt cũng chẳng xấu. Chỉ có cách biểu lộ chúng có thể là xấu, nếu nó hung dữ và bạo lực.

Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy dỗ để không biểu lộ nỗi tức giận ra ngoài. Người lớn nói: „Nếu con cứ hay cáu giận như thế thì thật không ngoan, chẳng đáng yêu chút nào!” Nỗi sợ không được yêu thương khiến chúng ta cố gắng giấu chặt sự giận dữ trong lòng, đôi khi kỹ càng đến nỗi ngay chính bản thân chúng ta cũng không cảm thấy nó. Nhưng việc không cảm nhận được sự phẫn nộ của chính mình sẽ khiến chúng ta trở nên yếu đuối, mất sức tự vệ. Bởi vì nỗi tức giận chính là tín hiệu cho biết có cái gì đó đang làm tổn hại đến chúng ta. Nó đưa ra thông điệp: tôi không đồng ý, điều này trái ngược với những mục đích và mong muốn của tôi. Nỗi giận dữ khởi động sự tự vệ và tiếp sức cho chúng ta. Nó rất quý giá, mặc dù điều này nghe có vẻ rất khó tin.

Nếu không thể phản đối những gì bạn không chấp nhận, bạn sẽ trở thành nạn nhân. Nuốt sự tức giận, sợ hãi, chán nản vào trong không thể làm cho những tình cảm tiêu cực đó biến mất, ngay cả khi bạn làm việc đó một cách hoàn hảo nhất. Chúng vẫn tích tụ lại ở trong lòng. Vậy chúng ta phải làm gì? Cách tốt nhất là nói thẳng ra với người đã làm bạn giận dữ. Nói thẳng cảm xúc của mình cũng là cách để bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề. Không phản ứng mới là bằng chứng của sự thờ ơ và bàng quan. Biểu lộ nỗi tức giận là cần thiết, vì nó đưa ra thông điệp: „Những gì anh làm khiến gây phiền cho tôi.” Hơn nữa, một thông báo rõ ràng cho đối phương rằng hành vi của họ không thích hợp với bạn là cách duy nhất để làm cho đối phương thay đổi.

Rất nhiều phụ nữ tự hào mình là người luôn biết kiềm chế, không hề giận dữ. Vì như thế là rất nữ tính. Nhưng nếu bạn cứ „nuốt bồ hòn làm ngọt” quá lâu, kết cục có thể là chứng trầm cảm. Trong cuốn sách „Phụ nữ và chứng trầm cảm”, nhà tư vấn về gia đình người Mỹ Lois P. Frankel viết rằng phần lớn phụ nữ mắc bệnh trầm cảm vì họ thường không biểu lộ sự giận dữ. Phản ứng chống đối lại với tình cảm của mình làm tiêu hao rất nhiều sinh lực. Cơ thể và tinh thần phải hoạt động để che giấu những gì đang thực sự xảy ra, để cho mọi chuyện bề ngoài xem như đều ổn thỏa. Người phụ nữ không còn sức lực để hoạt động. Khi không biểu lộ được sự bất mãn, người ta cảm thấy mất kiểm soát đối với cuộc sống của mình.

Giận dữ cũng chỉ là một trạng thái tình cảm, không tốt cũng chẳng xấu. Chỉ có cách biểu lộ nó ra ngoài là có thể xấu, nhất là những cách hung dữ như kêu gào, phá phách đồ đạc, đập vỡ bát đĩa, cào cấu, đánh đấm, v.v... Làm sao chế ngự được những trạng thái „bạo lực” này? Tốt nhất là đừng bao giờ tự suy diễn nguyên nhân của những hành động đã làm chúng ta giận dữ. Không tìm những ẩn ý, không phỏng đoán ý định của đối phương. Vì chúng ta phản ứng hung dữ không phải vì đối phương hành động thế nào, mà vì chúng ta đánh giá những hành động ấy ra sao. Nói tóm lại, những gì chúng ta cảm thấy phụ thuộc vào cách chúng ta phân tích tình hình. Do đó, để chế ngự sự nóng nảy hung dữ, chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ của mình.

Các cơ trên mặt căng lên, hơi thở gấp, lông mày nhíu lại, huyết áp tăng, tim đập nhanh, đôi lúc là những cơn đau trong dạ dày, tay run lên... là những dấu hiệu của cơ thể cho biết bạn đang giận dữ. Điều xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào bạn. Hoặc là kêu gào la hét, hoặc là giả bộ như không có chuyện gì xảy ra. Hoặc bạn sẽ khóc, vì phụ nữ dễ chuyển từ nỗi tức giận sang nỗi buồn. Bạn cũng có thể dỗi, nhưng đây cũng không phải là cách tốt, vì vấn đề sẽ không được giải quyết ngay mà phải cần thời gian. Cách tốt nhất chính là biểu hiện sự giận dữ ra ngoài, nói thẳng ra những cảm xúc của bạn. Không đánh giá, không phê phán, không suy diễn ý xấu của đối phương. Chỉ đơn giản là nói ra những gì bạn đang cảm thấy.

Tác giả bài viết: Mai Vy