Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHIẾC NHẪN

Người phụ nữ nhìn chiếc nhẫn đỏ lừ trên ngọ̣n lửa biếc xanh, vẻ mặt hài lòng. Một cách thành thạo, chị nhúng cái "xèo" vào khay nước lạnh bên cạnh - chiếc nhẫn trở về với màu vàng sáng bóng.

Đó là chiếc nhẫn mẹ đã tháo từ ngón tay áp út của bà và trao cho tôi "để phòng thân" vào cái ngày bà biết tôi sẽ thật sự rời vòng tay bà đến một nơi thật xa xôi mà bà không thể tưởng tượng được điều gì sẽ đến với đứa con út bé bỏng và yếu ớt... Hồi đó, bàn tay tôi nhỏ quá, đeo nhẫn vào ngón nào cũng không vừa. Nên cứ cất dưới đáy va-ly, lâu lâu lấy ra ướm thử. Có lần thấy vừa vặn vào ngón tay trỏ, tôi đeo luôn mấy ngày. Nhưng rồi, bị người bạn đồng môn đọc câu vè: "Hãy đến với tôi (ngón trỏ) - thôi đừng đến nữa (ngón giữa) - tôi đã có rồi (ngón áp út) - hãy để tôi yên (ngón út)". Nó bảo, đeo ngón trỏ là... bật đèn xanh cho các anh tới tán tỉnh á. Tôi sợ quá, tháo ra cất biến.

Thời gian dần trôi em lớn lên cùng dòng sông
Ánh mắt bờ môi rạng ngời ấm áp mùa đông
Dòng sông ngày ấy cũng chạnh lòng thương xót
Khi ánh mắt của em vương vấn giọt lệ buồn (*)

Người phụ nữ cầm chiếc nhẫn lên, ngắm nghía và khen vàng đẹp. Chị bớt giá vì theo chị nhẫn đã bị mòn do mang nhiều. Thật thực tế và lạnh lùng. Chị không biết chiếc nhẫn có ý nghĩa như thế nào với riêng tôi. Chị không biết, đó là kỷ vật thiêng liêng và duy nhất tôi muốn giữ gìn như một sự an ủi, nâng đỡ và phù hộ trong những tháng năm xa nhà. Tôi muốn ngày về, sẽ đeo nó lại vào ngón tay mẹ, như một sự trở về bình an và trọn vẹn của đứa con mà bà hằng lo lắng nhớ nhung đến bạc tóc... Chị cũng không biết, tôi đành bán vì lý do gì... Một giọt nước cứ chực ứa ra trên mắt, nhưng không còn cách nào khác: bạn tôi - người đi cùng bữa đó - đang cần gấp một khoản tiền lo việc riêng. Lần đầu tiên tôi cảm nhận sự khủng khiếp khi phải che dấu nỗi lòng thật của mình. Không thể để bạn gợn một chút băn khoăn. Tôi "vâng", tôi đồng ý bán chiếc nhẫn. Và nhủ lòng sẽ dành tiền học bổng của tháng tới để chuộc lại... Rồi tiền học bổng dành dụm được cũng lại giúp bạn...

Cho đến một ngày, tôi trở lại khu chung cư tìm người phụ nữ nọ thì mới hay chị đã chuyển đi...

Tôi vĩnh viễn mất chiếc - nhẫn - phòng - thân từ dạo đó.

*

Ngày về thăm mẹ, thấy bà vẫn mang đôi bông tai bằng vàng tây có gắn viên ngọc xinh xắn, tôi mua tặng bà từ lần về thăm trước, vẫn bỏ túi cái khăn tay có cành hoa nhỏ tôi vụng về thêu từ hồi còn học sinh... Chiếc khăn chỉ để chậm nước mắt mỗi khi thương nhớ đầy vơi. Thời gian đằng đẵng trôi qua, vải đã sờn, màu chỉ thêu đã bạc, mẹ giữ làm chi giữ mãi...

Mẹ hỏi tôi, sao không đeo đồ trang sức, rồi mở tủ lấy hộp nữ trang đưa cho tôi từng món. Mỗi món là một tấm lòng của ai đó dành cho bà. Của con, của cháu... Bà bảo tôi lựa đi, thích món nào bà cho tôi món đó. Đẹp. Đẹp lắm. Và quý. Nhưng tôi không lấy. Nghĩ tôi khái tính, bà bảo, "Đó là đồ của mẹ rồi, mẹ muốn cho ai thì cho mà, con ngại gì? Mẹ già rồi, đeo chi mấy thứ này, rồi cũng cho các con cả thôi... Hay là đeo cái lắc bạc này nhé, để tránh gió..." Tôi ngắm nghía xong, lại lặng lẽ xếp lại hết vào hộp. "Mẹ cho con xin cái áo này nhé?", "Cái áo len cũ con lấy làm chi? Trong tủ còn nhiều cái mới mẹ chưa mặc đến...", "Thì đó, cũ con mới xin... ", "Cái con này, cho vàng bạc không lấy, đi xin cái áo cũ..." Hai mẹ con cùng cười.

Trời hôm nay lạnh, mở cửa sổ thông phòng, gió trong lành ùa vào buốt giá. Khoác cái áo của mẹ, nhìn vào gương thấy ngộ lắm, nhưng mà ấm.

Vô cùng - tình mẹ cho con...

(*) Trích nhạc phẩm "Hát với dòng sông", nhạc Quốc An, lời Nguyễn Nhất Huy.

Tác giả bài viết: Cỏ May, từ Praha