Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÂU HÁT NGÀY NÀO

(NCTG) “Chỉ có một Chúa, một Đức Tin, một phép Rửa, một Thiên Chúa là Cha…”, câu Alleluia ngợi ca này, tôi đã nghe bao lần từ khi còn là một cô bé 17 tuổi bỡ ngỡ bước chân vào nhà thờ xứ, mắt tròn xoe nhìn các Đức Cha làm lễ.

Ảnh: Nguyễn Đức Cung

Cha nhà thờ xứ ngày đó trong mắt tôi như một Đấng Cứu rỗi trước hàng trăm giáo dân đen đúa nghèo khổ.

Mẹ của anh là một giáo dân sùng đạo, căn nhà của bà có thể trống huyếch trống hoác mặc cho mưa gió lung lay nhưng chưa bao giờ cây đèn trên ban thờ nho nhỏ, nơi có tượng Đức Mẹ đặt trong khung kính, được phép thiếu dầu. Mười năm sau, khi tôi trở lại, ngôi nhà đã khang trang hơn, hai cây đèn dầu khi xưa đã được thay bằng bóng điện, một màu đỏ nhàn nhạt và yếu ớt, nhưng không vì thế mà làm cho bức tượng năm xưa bớt đi vẻ trang nghiêm và hiền hậu.

Tôi nhớ khi học năm thứ 2, có một sáng Chủ nhật đầu năm 1996, chúng tôi kéo nhau về giáo xứ đúng hôm Đức Tổng Giám mục Hà Nội về làm lễ. Trên đường làng, giáo dân tấp nập đổ về nhà thờ trang hoàng lộng lẫy. Tôi không thể quên được những gương mặt chất phác hân hoan, diện những tà áo dài cổ lỗ xanh đỏ tím vàng và đôi bàn chân lấm lem xỏ những đôi dép lê mòn vẹt. Buổi lễ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ trong không khí trang nghiêm và đầm ấm. “Hân hoan chúng con dâng lời chúc xuân. Mừng Cha năm mới muôn vàn thánh ân. Hân hoan chúng con dâng lời chúc mừng, cuộc sống tươi đẹp hạnh phúc trào dâng... Hôm nay chúng con xin hợp với Cha. Cùng dâng lên Chúa bao lời thiết tha. Xin ơn Chúa ban xuân về mỗi nhà…” Đã bao năm qua rồi mà tôi không thể quên điệp khúc đó, những lúc buồn, anh thường hát cho tôi nghe những câu thánh ca ngày nào, khi anh còn là một chú bé trong dàn đồng ca của nhà thờ. “Con luôn trông cậy Chúa, khác nào em bé ngủ yên trong tay mẹ hiền, bên lời yêu mến. Tình Chúa mãi mãi theo con, cho tâm hồn dù trong mưa gió, mãi mãi bình yên, mãi mãi bình yên… Giữa tháng năm đời sống, nhiều khi mưa đổ bên trời, đam mê nặng lòng người, niềm đau khơi nước mắt rơi.. Những ánh sao còn đó, còn tin yêu ngước lên trời, tình thương Thiên Chúa muôn nơi”… Tôi, một cô bé ngoại đạo đã lặng yên khi nghe anh hát, và lạ lùng thay, những câu hát ấy vẫn nằm sâu thẳm trong ký ức tôi, không phai mờ…

Lần cuối chúng tôi bên nhau vào nhà thờ cũng là một ngày đầu năm, hôm ấy là ngày lễ Thánh Phêrô (tên thánh của anh). Anh hào hứng kể cho tôi nghe ngày xưa Thánh Tông đồ Phêrô được Chúa gọi đi rao giảng Tin Mừng, ngày ấy... tháng ấy..., anh đã được Chúa nhận làm con, được theo Người cho đến ngày tận thế. Bên anh, tôi càng hiểu thêm về họ đạo ở cái giáo phận nghèo xác xơ này, họ có thể còn nghèo, nghèo lắm, nhưng không bao giờ nghèo về tấm lòng độ lượng và một tâm hồn trong sáng bình yên đến lạ lùng.

Năm tháng trôi đi, anh giờ đã xa tôi lắm rồi và có lẽ cũng đã quên đi những khúc ca hiệp lễ ngày xưa. Cuộc sống cũng cuốn tôi đi khắp nơi, nhưng kỳ lạ thay, đến đâu tôi cũng ghé vào những nhà thờ mà tôi tình cờ gặp, trên thị trấn Sapa mù sương, bên bờ sông Hương thơ mộng của thành phố Huế, hay giữa nước Đức ồn ào những đêm giáp Noel... Cháu nhỏ yêu quý, thiên thần của tôi đã từng tá túc trong nhà thờ, tận hưởng tình yêu vô bờ bến của Cha, đọc những câu cầu nguyện mỗi tối Chủ nhật khi quây quần bên bữa tối đầm ấm. Cháu đã gắn bó với bệnh viện Saint Camillo của Nhà thờ Ý, nơi các bà xơ da đen có, da trắng có, luôn xúng xính trong bộ quần áo trắng sạch sẽ và mỉm cười hiền từ…

Năm nay, tôi lại vào Nhà thờ Lớn vào ngày lễ Thánh Phaolô cùng một con chiên vô cùng ngoan đạo người vùng biển Nam Định. “Trong đời chị chưa bao giờ thấy nhiều Đức Cha như vậy”, chị xuýt xoa. Các Đức Cha đổ về Giáo phận Hà Nội hôm nay có lẽ lên tới cả trăm người. Đức Hồng Y Phaolô năm nay già đi nhiều quá, 6 năm qua tôi chưa gặp lại ông... Giọng ông run run và đôi tay không còn nhanh nhẹn ban phép như ngày xưa nữa. Chỉ khác xưa là các Đức Cha giờ cũng bị cuốn theo trào lưu công nghệ, tay Cha nào cũng nhăm nhăm một cái máy ảnh kỹ thuật số đời mới và chụp hình tanh tách ngay cả khi đám giáo dân đang ca khúc ca dâng lễ…

"Ước mong một thuở của anh – là sẽ thiết kế một nhà thờ nhỏ mô phỏng mái vòm cong vút và những cột đá trắng của Nhà thờ Thánh Phêrô ở Roma - đã không bao giờ trở thành hiện thực"

Tan lễ, trời Hà Nội hình như lạnh hơn, đám giáo dân hối hả tràn ra các cửa nhà thờ trở về với cuộc sống thường nhật. Đâu đó, văng vẳng tiếng hát của cậu bé trong dàn thánh ca ngày xưa, giờ đã trở thành một giáo sư được nhiều người biết đến vì những bản vẽ thiết kế nổi tiếng. Ước mong một thuở của anh – là sẽ thiết kế một nhà thờ nhỏ mô phỏng mái vòm cong vút và những cột đá trắng của Nhà thờ Thánh Phêrô ở Roma (Basilica di San Pietro in Vaticano) - đã không bao giờ trở thành hiện thực.

Lời nguyện hiệp nhất ngày nào “Như Cha ở trong Con, và như Con ở trong Cha…” được trân trọng viết bằng nét chữ vụng dại của cậu học sinh lớp 3 trường làng vẫn được treo trên ban thờ nhỏ, nơi mẹ anh đã thường cầu nguyện mỗi khi trời tảng sáng. Và có lẽ nó sẽ còn mãi mãi ở căn nhà nơi anh đã lớn lên, đã ra đi từ đó và biết đâu sẽ không bao giờ trở lại…

Tác giả bài viết: Thanh Vân, Hà Nội - Ngày Lễ Thánh Phaolô trở lại, 25-1-2007