Sổ tay NCTG: “TRUYỀN THÔNG THỜI NAY LÀ THẾ!” (?)

Thứ sáu - 13/06/2014 21:55

(NCTG) “Chuyện Hoàng Sa “của ai” không hề là đương nhiên đối với thế giới. Những lý luận này nọ của Việt Nam trước nay thường là “ta nói ta nghe”, chứ chưa thấy thuyết phục được thế giới, nói chi truyền thông quốc tế!”.


Hô vang các khẩu hiệu trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Budapest - Ảnh: Nguyễn Anh Tú

Vài hôm sau cuộc biểu tình đầu tiên của bà con Việt tại Hungary, mình nhận được lá thư ngắn ngủi từ một ký giả Hung lão thành, người từng có mặt tại Việt Nam những năm đầu thập niên 80 trên cương vị phóng viên thường trú của Hãng Thông tấn Hungary MTI và nhật báo lớn nhất “Tự do Nhân dân” (Népszabadság).

Trong email, ông viết: “Tôi rất lấy làm tiếc vì truyền thông Hung ít quan tâm đến thế đối với Việt Nam, nhưng cũng đáng tiếc là điều này không làm tôi ngạc nhiên. Truyền thông thời nay là thế!” (Nagyon sajnálom, hogy a magyar sajtó ilyen érdektelen Vietnammal szemben, de sajnos nem lep meg. Ilyen ma ez a média).

Lá thư này của vị ký giả tất nhiên không ngẫu nhiên. Trước đó một tuần, khi bà con vừa quyết định sẽ tiến hành biểu tình vào hôm 18-5, mình đã nhờ ông bằng uy tín và các mối quan hệ của mình, tìm một số nhà báo uy tín mà ông quen biết để “xúi” họ đến chứng kiến cuộc biểu tình của cộng đồng Việt Nam tại Hungary.

Song song với việc gửi thông báo và các tư liệu sơ bộ tới các tòa báo lớn, cũng như cố gắng vận động một số mối quan hệ báo chí cá nhân, mình nghĩ rằng nếu có thêm người uy tín trong nghề và yêu quý Việt Nam như ông nhà báo nọ trợ giúp thì khả năng “phát tán” tin tức trong vụ này sẽ được nâng cao.

Do không có mặt tại Hungary vào thời điểm cuộc biểu tình diễn ra, vị ký giả cho biết ông đã “gửi lời” tới một số nhân vật truyền thông và ông hy vọng rằng sẽ có ai đó trong số họ đến dự. Tuy nhiên, cảm thấy những lời lẽ trong thư của ông không được tự tin và quả quyết lắm, mình khá bất an.

Rốt cục, không có nhà báo bản xứ nào đến, và cho đến nay cũng không có một dòng nào trên truyền thông Hung nhắc tới cuộc biểu tình. Cho dù, cạnh đó, vẫn có những thông tin bất lợi cho Việt Nam trong xung đột lần này với Trung Quốc - phải nói họ đưa tin không sai, nhưng một chiều, và nó bất lợi vì thế!

Điên tiết đến mức bất chấp mọi nguyên tắc ngoại giao bặt thiệp, mình đã viết - không dấu - những dòng bằng tiếng Hung cho ông nhà báo nọ, đại loại như thế này: “Cuộc biểu tình hôm Chủ nhật của chúng tôi rất thành công, ngoại trừ một điểm đáng buồn duy nhất, là không một nhà báo Hung nào có mặt ở đó.

Phải chăng, đối với họ, đây không là “tin”? Cộng đồng Việt Nam có đặt câu hỏi, giả thử có một chú hươu cao cổ mới sinh ở vườn bách thú TP Pécs thì báo nào cũng đưa tin, nhưng tin này của chúng tôi thì không ai đưa? Hay là vì chính phủ Hung muốn làm ăn với Trung Cộng nên mọi sự mới thế?

Tôi đã chuẩn bị một bản tin và “phát tán” nó trên mạng FB, nếu báo chí Hung nhất định không chịu đưa tin :)
”.

Và, lá thư ngắn mà mình đưa lại ở đầu note là do vị ký giả viết sau khi tôi gửi cho ông những dòng khiếm nhã này, cùng bản tin tiếng Hung mà tôi - và chắc là nhiều người nữa cũng muốn - để “cư dân mạng” nước Hung chuyền tay nhau. Ông nhà báo khả kính “ăn đủ” khi tự nhiên bị mình trút cơn bực dọc lên đầu một cách vô cớ!
 
*

Truyền thông thời nay là thế!” - mình ngẫm nghĩ rất lâu về khẳng định này của vị ký giả. Trước đó ít hôm, có dịp trao đổi trực tiếp với ông, mình chỉ mỉm cười mà không bình luận gì khi ông bảo, thế hệ các nhà báo như ông giờ cũng dần “tuyệt chủng” rồi, “bọn trẻ bây giờ tệ”...

Nhưng thật ra, có phải giới báo chí Hung bây giờ “tệ” so với thời xưa không?

Về trình độ, rất khó nói. Hungary thời cộng sản đã từng có những nhà báo cựu trào, rất lỗi lạc, có thể coi như tạo dựng một trường phái báo chí Hung, rất uyên bác, giàu tính văn học và nhân văn, mà một trong những đại diện có thể là vị ký giả ở ngưỡng thất thập mà mình có dịp hầu chuyện.

Nhưng các ký giả thời nay của họ cũng rất nhanh nhạy, sử dụng thành thạo những phương tiện kỹ thuật, những tiện ích của của truyền thông xã hội, khó có thể bảo họ là “kém”. Có chăng, dưới sức ép của việc đưa tin tức thật nhanh và kịp thời, họ làm việc theo cách khác, đôi khi không thật “sâu” và “lắng” như xưa được thôi.

Cái “tệ” ở đây đương nhiên cũng có thể hiểu theo khía cạnh khác: báo chí giờ đây bị nhiều yếu tố chi phối (tài chính, chính trị, kinh tế thị trường, v.v...) nên không giữ được cái “tình” như xưa. Đâu rồi cái thời cánh tả thế giới đồng thanh lên tiếng ủng họ Việt Nam chống Mỹ, hoặc ngay cả chống Trung Quốc 1979?

Về vấn đề này, cần nghĩ là cái thời “bốn phương vô sản đều là anh em” đã vĩnh viễn chấm dứt! Bây giờ, tất cả đều là những cá thể độc lập, có thể đồng minh với nhau từng giai đoạn, nhưng không nhất thiết cứ phải là bạn của nhau những khi người ta cảm thấy không nhất thiết, hoặc không cần thiết.
 

“Tự do Nhân dân” (Népszabadság), nhật báo lớn nhất của Hungary đăng bài về xung đột Việt - Trung với tiêu đề “Nhà máy của Trung Quốc ở Việt Nam chìm trong khói lửa” (Lángba borították Kína vietnami gyárait) - Ảnh chụp màn hình

Và chuyện này, ngẫm lại, cũng đúng với báo chí Hung. Họ không đến dự và đưa tin cuộc biểu tình của chúng ta với nhiều lý do, kể cả lý do quan hệ Hung - Tầu đang được phía Hung (nội các Orbán) duy trì và củng cố hữu hảo (đây dường như là nguyên nhân mà ai trong chúng ta cũng nghĩ tới đầu tiên...)

Nhưng cũng rất có thể, họ đã không còn quan tâm đến tình hình chính trị Việt Nam như trước, đồng thời, không coi một xung đột ở nơi xa xăm phải nhất thiết là một tin cần đưa. Hoặc giả, khi đưa, họ cũng hoàn toàn có thể lựa chọn những cái họ thấy giật gân (ví dụ chuyện người biểu tình quá khích ở Việt Nam đập phá các doanh nghiệp bị coi là của Tầu), mà không cho chuyện chúng ta phản đối Trung Quốc là “tin” (?)

Tất nhiên, có thể tranh luận “phải, trái” với họ về chuyện này, kể cả trên bình diện báo chí. Nhưng có lẽ, trước hết, cần nhìn lại xem, Việt Nam đã làm gì để tụt hậu đến thế trong mắt truyền thông quốc tế, nói chung?
 
*

Báo chí nước ngoài khi nhắc đến Hoàng Sa thường hay dùng cụm từ “quần đảo do Trung Quốc kiểm soát, mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền”. Truyền thông Hungary cũng vậy. Không mấy khi nhắc tới chuyện Biển Đông và nếu có, họ cũng coi đó như một tranh chấp giữa hai nước cộng sản về những quần đảo mà dưới đó có dầu lửa.

Chuyện chủ quyền thuộc về ai không bao giờ được đả động tới, có thể họ không quan tâm, hoặc giả, họ coi việc đưa ra nhận định đó không phải là nhiệm vụ của họ. Là người Việt, chúng ta có thể bực, nhưng chớ nên vội trách là họ “thân Tầu” hay ngu dốt. Họ chỉ làm theo một thông lệ báo chí là với những gì chưa rõ ràng thì không đưa ý kiến thiên kiến, thiên vị cho bên nào.

Như thế, chuyện Hoàng Sa “của ai” không hề là đương nhiên đối với thế giới. Những lý luận này nọ của Việt Nam trước nay thường là “ta nói ta nghe”, chứ chưa thấy thuyết phục được thế giới, nói chi truyền thông quốc tế! Chưa kể, trong một thời gian dài, và tới nay dường như cũng vậy, chính quyền hoặc là im bặt vụ biển đảo, hoặc là nếu lên tiếng thì đa phần là chậm trễ, yếu ớt, mập mờ, kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.

Đi kèm đó là những hành động không ăn khớp, không lấy gì làm thuyết phục và thường là phản cảm trong thực tế (miệng nói bảo vệ biển đảo nhưng lại bắt bớ, trấn áp người biểu tình yêu nước...).

Điều đó khiến người dân “không biết đâu mà lần”, đã đành. Nhưng tệ hại không kém là “bạn bè quốc tế” (trong đó có truyền thông) có yêu quý “ta” đến mấy đi nữa, ai dám giúp, cho dù chỉ là qua lời nói: lên tiếng bảo vệ Việt Nam cũng sợ nhỡ “việt vị” lắm chứ?

Bây giờ, đến lúc Trung Quốc “châm ngòi kiện cáo”, chủ động đưa vấn đề giàn khoan (đương nhiên là liên quan tới Hoàng Sa) ra Liên Hiệp Quốc, Việt Nam lại một phen tụt hậu thảm hại trong cuộc chiến truyền thông quốc tế (và có thể cả trên phương diện pháp lý nữa)...

Trách ai?
 
*

Đứng trước sự thua kém như thế về mặt truyền thông, nhiều cá nhân, nhiều nhóm đã tự viết bài cậy đăng tải trên báo chí nước ngoài, tự lan truyền thông tin và gửi những công trình nghiên cứu tới những nhân vật, những tổ chức hữu trách trên thế giới. Với mong muốn góp chút gì đấy vào cuộc chiến chung để bảo vệ đất nước trước họa ngoại xâm.

Tất nhiên, với khả năng tài chính và mọi thứ khác đều hạn chế, một nỗ lực như vậy - dù rất đáng khích lệ, biểu dương và tất nhiên là vô cùng quý báu - cũng không thể thay thế được một chủ trương, đường lối được thực hiện bàn bản ở tầm quốc gia. Là điều Việt Nam chưa hề có, và Trung Quốc - đáng tiếc! - đã làm rất tốt từ nửa thế kỷ qua...

Ấy là chưa kể, những người tích cực, có lòng, thì thường bị nhìn dưới con mắt nghi kỵ, thậm chí dè bỉu kiểu “gái góa lo chuyện triều đình”, “chuyện lớn để Đảng và Chính phủ lo”, v.v... Không ít trường hợp họ còn bị chụp mũ, vu cáo, trấn áp dưới nhiều hình thức, mà mục đích (hay hậu quả) chính vẫn là khiến họ nản lòng, buông xuôi, “nước chảy bèo trôi”...

Như thế, cho dù chiến tranh chưa xảy ra (và cầu Trời để nó dừng bao giờ xảy ra!), nhưng Việt Nam, từ lâu nay, đã (tự?) nhận phần thua thảm hại trong cuộc chiến truyền thông trước Trung Quốc! Trước cảnh ấy, mỗi người trong chúng ta cần làm gì? Không lẽ bó tay ngồi im, lắng nhìn…?

Thật ra, Internet và các mạng xã hội đã mở ra cho chúng ta những khả năng gần như vô tận. Người Việt trên thế giới cũng đã và đang từng sử dụng một số khả năng ấy để lan truyền thông tin, “kháng thư”, v.v... Nhưng có lẽ, vẫn có thể làm được, và mạnh hơn nữa, ngay tại nơi mỗi người sinh sống, để có được chút “áp lực”, hoặc ít nhất là “đối trọng” với truyền thông sở tại.

Báo chí Hungary có lẽ cũng khó có thể “thúc thủ”, hoặc im bặt nếu tin tức về biển đảo Việt Nam, về xung đột ở Biển Đông được/ bị phát tán khắp nơi, đến nhiều người dân nước họ bằng chính thứ tiếng của họ? Mình tin rằng nếu không muốn quá “tụt hậu”, có lẽ lúc nào đó họ cũng sẽ phải quan tâm, thậm chí “dùng” tin của chúng ta.

Nhưng với điều kiện, những tin ấy phải tuyệt đối trung thực, khách quan, đa chiều, và bỏ hết được những đặc tính quen thuộc của một nền truyền thông vừa mang tính hô hào cổ động, vừa chứa chất đầy rẫy những lươn lẹo, dối trá... Chỉ khi ấy, chúng mới được tôn trọng, và quan tâm một cách xác đáng, như chúng ta hy vọng...

Bạn nào đồng tình thì chúng ta cùng đồng hành nhé!

Tham khảo:

“China Sends Note to UN over Vietnam Provocation”

“China takes dispute with Vietnam to UN”

“Giàn khoan “981” tiến hành hoạt động tác nghiệp: Hành vi khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc”

“A HYSY-981-es fúrótorony tevékenysége: Vietnam provokációja és Kína álláspontja”

Trần Lê


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn