Truyện ngắn của Örkény István: KHÔNG THỂ THA THỨ

Thứ sáu - 28/01/2005 19:36

(NCTG) "Qua lời kể của bệnh nhân nằm ở giường bên, tôi mới được biết là các y tá không hề vào thăm cha tôi, điều đó cũng không lạ vì hai người phải "quản lý" một trăm bảy mươi người bệnh, và thậm chí các bác sĩ cũng chả hề đụng đến cha tôi, họ bảo thôi, để thứ Hai sẽ khám kỹ lưỡng. Chuyện này là thường, bệnh nhân ở giường bên cho biết, nếu sáng thứ Bảy vào viện là đều như thế cả".

Nhà văn Örkény István (1912-1979)

Lời giới thiệu: Örkény István (1912 - 1979), nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng người Hung (gốc Do Thái), một tên tuổi lớn của văn đàn đương đại Hungary. Bắt đầu viết từ giữa thập niên 30 thế kỷ trước, ấn hành tập truyện ngắn đầu tiên ("Vũ điệu biển" - Tengertánc) vào năm 1941, sau những năm tháng chiến chinh 1942-1946, Örkény được hồi hương từ Liên Xô và cho đến năm 1957, ông sáng tác nhiều vở kịch và truyện ngắn theo khuynh hướng xã hội học, mang nhiều chất phóng sự, tư liệu về đời thường, và điểm đặc biệt là tính kỳ quặc - thậm chí phi lý - trong những tác phẩm đó nhiều khi đã được đẩy đến mức đậm đặc.

Do có tham gia vào biến cố 1956 nên Örkény István bị cấm đăng tải trong một thời gian dài, nhưng ông vẫn âm thầm viết và trong thời gian này, Örkény đã phôi thai "Truyện ngắn một phút", một thể loại do ông khởi xướng và về sau, đã đem lại sự thừa nhận cho nhà văn trên văn đàn quốc tế. Từ năm 1962, Örkény được in sách trở lại và các tác phẩm lớn như "Trò mèo" (Macskajáték, 1963), "Gia đình Tót" (Tóték, 1964), và nhất là "Truyện ngắn một phút" (Egyperces novellák, 1968) đã có tiếng vang trên thế giới.

 

Truyện ngắn sau đây của Örkény István được dịch theo nguyên bản tiếng Hung: "Nincs bocsánat" - theo "Hợp tuyển truyện ngắn Hungary", tập 2. Tuyển chọn và biên tập: Domokos Mátyás, Nhà xuất bản Osiris, năm 2003

*

Tôi đưa hai người hộ lý hai mươi phô-rinh (*), họ đặt cha tôi lên chiếc băng-ca và khiêng vào xe cấp cứu. Ở bệnh viện, tôi cũng cho các cô y tá trực đêm và ban ngày, mỗi cô hai mươi phô-rinh, và đề nghị họ chú ý đến cha tôi. Họ bảo tôi đừng lo ngại gì cả, cứ nửa tiếng họ sẽ vào thăm ông một lần, cho dù, may là cha tôi chưa bị bất tỉnh. Hôm sau là Chủ nhật, tôi có thể vào thăm ông. Ông vẫn còn tỉnh, nhưng không nói năng được gì mấy. Qua lời kể của bệnh nhân nằm ở giường bên, tôi mới được biết là các y tá không hề vào thăm cha tôi, điều đó cũng không lạ vì hai người phải "quản lý" một trăm bảy mươi người bệnh, và thậm chí các bác sĩ cũng chả hề đụng đến cha tôi, họ bảo thôi, để thứ Hai sẽ khám kỹ lưỡng. Chuyện này là thường, bệnh nhân ở giường bên cho biết, nếu sáng thứ Bảy vào viện là đều như thế cả.

Tôi ra hành lang và tìm người y tá, nhưng mấy cô trực hôm trước đều không thấy. Phải khó khăn lắm, tôi mới tìm thấy cô y tá trực ngày Chủ nhật, tôi cũng đưa cô này hai mươi phô-rinh và đề nghị cô thỉnh thoảng vào thăm cha tôi. Tôi cũng muốn gặp ông bác sĩ vì ở nhà tôi đã bỏ một tờ một trăm phô-rinh vào phong bì và dán lại, nhưng cô y tá bảo rằng ông bác sĩ đã bị triệu đi truyền ở phòng bệnh nữ. Tôi đành nhờ cô nói lại với ông bác sĩ. Trở lại phòng bệnh, bệnh nhân ở giường bên trấn an tôi, rằng ông bác sĩ trực ban đằng nào cũng chả rỗi rãi để đi khám cho bệnh nhân, thành ra cũng không có gì trở ngại nếu tôi không đưa được tiền cho ổng. Đằng nào thì ngày mai, khi các bác sĩ thuộc khoa đến viện, người ta mới có thời gian để tâm đến bệnh nhân.

- Cha có cần gì không? - tôi hỏi.

- Không, cám ơn con, không.

- Con có mang vài quá táo...

- Cám ơn, cha không đói.

Tôi còn ngồi bên giường ông chừng một giờ. Tôi muốn nói chuyện gì đó với ông, nhưng chả còn gì để nói. Một lúc, tôi hỏi ông có đau không. Cha tôi bảo không. Thành ra tôi cũng không hỏi han được gì thêm về chuyện này. Chúng tôi im lặng hồi lâu. Quan hệ của chúng tôi rất cầm chừng và không cởi mở, chúng tôi chỉ trò chuyện với nhau về những điều hiển nhiên, có điều những chuyện hiển nhiên mà hôm qua chúng tôi còn có thể nhắc đến thì bây giờ đã trở thành vụn vặt và biến mất. Còn về tình cảm thì chúng tôi không bao giờ nhắc đến cả.

- Thôi, vậy con đi nhé - sau đó, tôi nói.

- Đi đi con - cha tôi đáp.

- Mai con sẽ vào và nói chuyện với bác sĩ.

- Cám ơn con - ông nói.

- Sáng mai bác sĩ trong khoa mới đến cha ạ.

- Có gì gấp gáp đâu con? - cha tôi đáp, và ánh mắt ông đưa tôi ra đến cửa.

Sáng hôm sau, vào hồi bảy giờ, tôi nhận được mnột cú điện thoại báo cha tôi đã qua đời trong đêm. Khi tôi bước vào phòng bệnh 217, đã có ai khác nằnm ở giường của cha tôi. Người bệnh ở giường bên an ủi tôi, bảo rằng cha tôi không phải chịu đựng gì nhiều, ông chỉ thở dài một cái rồi mất. Tôi nghi vị "láng giềng" này đã không nói sự thật, vì tôi nghĩ rằng nếu ở địa vị ông ta, tôi cũng nói như vậy, nhưng rồi tôi lại cố tự trấn an là có lẽ không phải người ta nói dối đâu, thực sự là cha tôi đã qua đời một cách nhẹ nhõm.

Minh họa: Họa sĩ Lê Thương

Tôi phải giải quyết rất nhiều thủ tục. Tại Phòng tiếp nhận bệnh nhân, một nữ y tá đến bên tôi, không phải là người trực hôm thứ Bảy, cũng không phải người trực hôm qua, mà là một người tôi chưa hề thấy, bà ta đưa tôi chiếc đồng hồ mạ vàng, kính đeo, ví tiền, hộp quẹt của cha tôi, và một túi ni-lông đựng táo. Tôi biếu bà ta hai mươi phô-rinh và tiếp tục đọc các số liệu cho người ta ghi lại. Sau đó, một người đàn ông đội mũ da đến gặp tôi và bảo ông có thể tắm rửa, cạo râu và mặc quần áo cho "cơ thể". Ông ta nói thế, "cơ thể", hẳn là ông muốn ám chỉ cha tôi đã qua đời, nhưng vẫn chưa phải là một tử thi, chừng nào ông ta chưa tắm rửa và mặc quần áo cho cha.

Tôi còn giữ cái phong bì đựng một trăm phô-rinh đã dán kín. Tôi đưa ông ta chiếc phong bì đó. Ông ta xé ra, nhìn vào trong phong bì rồi hạ mũ và không đội lại khi tôi có mặt ở đó. Ông bảo ông sẽ làm thật chu tất mọi việc, tôi chỉ việc gửi quần áo và đồ lót sạch vào viện, thế nào tôi cũng sẽ hài lòng. Tôi đáp chiều nay tôi sẽ mang đồ lót vào, và một bộ Âu phục nữa, nhưng bây giờ tôi muốn thấy cha.

- Anh muốn nhìn cơ thể cha anh à?

- Vâng, tôi muốn.

- Để sau thì hơn - ông ta khuyên.

- Tôi muốn thấy ông bây giờ kia - tôi nói. - Tôi đã không được ở bên cha tôi, khi ông qua đời.

Dù do dự, nhưng ông ta vẫn dẫn tôi vào nhà xác, một tòa nhà riêng biệt nằm giữa khu vườn của bệnh viện. Tầng hầm được rọi sáng bởi một bóng điện rất mạnh và không có chụp đèn. Tôi phải đi xuống hầm trên những bậc thang bê tông và trên sàn bê tông, ngay ở dưới bậc thang cuối cùng, cha tôi nằm ngửa tại đó. Chân tay ông duỗi thẳng, như cách người ta vẫn vẽ những chiến sĩ tử trận anh dũng trên các bức tranh mô tả chiến trận. Nhưng quần áo ông thì không thấy đâu cả, chỉ có chút bông đút hờ vào một lỗ mũi và một băng cầm máu dính vào bắp đùi trái của ông. Có lẽ ông được tiêm mũi cuối cùng ở đó.

- Bây giờ thì chưa thấy được gì đâu - người đàn ông đội mũ da phân bua.

Dưới tầng hầm lạnh như kem, ông ta để đầu trần và đứng bên tôi.

- Nhưng anh sẽ thấy sau khi tôi mặc quần áo cho ông, trông ông ra sao.

Tôi lặng thinh.

- Cụ ốm có lâu không? - sau đó, ông ta hỏi.

- Lâu - tôi đáp.

- Tôi nghĩ là ta nên tỉa tóc cho cụ một chút. Trông cụ sẽ khá lên nhiều - ông ta nói.

- Ông cứ làm thế nào tốt là được - tôi đáp.

- Cụ hay để đầu ngôi hả?

- Vâng, đầu ngôi - tôi trả lời.

Ông ta im bặt. Tôi cũng vậy. Tôi không còn biết nói gì nữa, và cũng không biết làm gì nữa, và tiền cũng không thể biếu ai thêm nữa. Cũng không thể làm gì hơn, nếu tôi tự chôn sống mình cạnh cha tôi.

(*) Forint, đơn vị tiền tệ Hungary.

Nguyễn Hoàng Linh dịch và giới thiệu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn