"RÚT RA BÀI HỌC HỮU ÍCH TỪ THẤT BẠI"

Thứ sáu - 14/05/2004 21:59

(NCTG) Lời giới thiệu: Văn hào Günter Grass, gương mặt nổi tiếng nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất của nền văn học đương đại Đức, sinh năm 1927 tại Danzig (nay là Gdansk, Ba Lan), trong một gia đình Ba Lan - Đức. Năm 1944, ông gia nhập đạo quân phát-xít Đức. May mắn là sau Thế chiến, ông bị bắt làm tù binh tại địa phận của quân đội Hoa Kỳ; năm 1946, ông được trả tự do khi mới 19 tuổi.

Văn hào Günter Grass

Günter Grass là một nhân sĩ rất đa dạng: chẳng những viết tiểu thuyết, kịch và làm thơ, ông còn tạc tượng, làm đồ họa và chơi nhạc Jazz. Ngay từ thời trẻ, nhà văn đã tham gia tích cực vào đời sống chính trị và với những lời lẽ phê bình xã hội sắc bén, ông đã có khá nhiều địch thủ. Năm 32 tuổi, Günter Grass viết cuốn sách thành công nhất của đời mình: "Cái trống thiếc" (Die Blechtrommel - được đạo diễn Volker Schlöndorff quay thành phim rất thành công năm 1979; phim đã đoạt giải Oscar năm ấy).

Giải Nobel Văn chương 1999 đã được trao cho Günter Grass vì "những câu chuyện kỳ khôi, chua chát đề cập bộ mặt quên lãng của lịch sử", và vì "tác giả cảm thấy trách nhiệm của mình trước nhân loại, và không chịu đầu hàng". Tuy nhiên, đây có lẽ chỉ là những lời lẽ có phần ngoa dụ. Bên cạnh tài năng xuất chúng trong văn chương, cái nhìn sáng suốt và chủ nghĩa nhân đạo của ông khiến nhà văn xứng đáng với giải thưởng cao quý này. Günter Grass là người, khi cả nước Đức đang trong tâm trạng hứng khởi tột đỉnh sau ngày thống nhất, đã dám lên tiếng phê phán sự vênh váo và tham lam của phần Tây nước Đức (khiến gới lãnh đạo chóp bu ở Đức phải cáu giận). Ông cũng là người thù ghét sự bài ngoại và chính sách nhập cư theo hướng bài xích người nước ngoài, đang lan rộng ở Đức và trên toàn thế giới. Không chỉ nói, Günter Grass còn là con người của hành động: chẳng hạn, ông đã thành lập một quỹ yểm trợ sắc dân Tzigane và thường xuyên giúp đỡ những người lâm vào cảnh khốn cùng trong xã hội.

Tại Liên hoan sách Quốc tế Budapest được mở vào hạ tuần tháng 4-2004, văn hào Günter Grass là vị khách danh dự được chào đón nhiệt liệt nhất, cạnh Kertész Imre (Nobel Văn chương 2002 của Hungary). Bài phỏng vấn sau đây - đăng trên nhật báo "Tự do Nhân dân" (Népszabadság) ngày 21-4-2004 - được nữ ký giả Inotai Judit, phóng viên thường trú của báo tại Berlin, thực hiện tại tư gia của nhà văn ở gần Lubeck, trước khi ông sang Hungary dự Liên hoan sách. Xin trân trọng giới thiệu! (H.Linh)

*
 
* Inotai Judit (I.J.):Thưa ông Grass, trong tiểu thuyết mới nhất của mình - cuốn " Đi giật lùi" (Im Krebsgang) - ông viết về Thế chiến thứ Hai dưới một góc độ hơi khác cái đã được chấp nhận trước đây ở Đức. Bằng việc tái hiện số phận con tàu tị nạn Wilhelm Gustlooff, gần như lần đầu tiên, những đau khổ của người Đức trong Đệ nhị Thế chiến được đề cập. Phải chăng, ông cảm thấy đã đến lúc cần đánh giá lại đôi chút lịch sử và, bên cạnh những tội ác của người Đức, cần phải nói tới những tổn thất nữa?

* Günter Grass (G.G.): Không thể tách rời hai điều đó. Những nỗi khủng khiếp đã trải qua - những cuộc ném bom các thành phố Đức, cái chết của hơn nửa triệu người Đức, những cuộc di dân hàng triệu người - đều có nguyên nhân của nó. Chúng tôi bắt đầu sự tàn phá, chúng tôi ném bom Warszawa, Rotterdam và rồi đến các thành phố Anh, nhưng rồi tội lỗi lại trút ngược xuống đầu chúng tôi. Điều tương tự cũng đã xảy ra với các cuộc cưỡng bức di dân: khi Hiệp ước Hitler - Stalin xâu xé Ba Lan, thoạt tiên chúng tôi đã xua đuổi nông dân Ba Lan, rồi đưa người Đức thế vào chỗ họ. Thực tế khủng khiếp này đáng tiếc vẫn còn tiếp diễn mãi tới ngày nay, hãy xem ở vùng Balkan xem người Croatia, người Serbia và dân Hồi giáo đang đối xử với nhau ra sao.

* I.J.:Ông không sợ sự lựa chọn đề tài như vậy sẽ có lợi cho phái cực hữu ở Đức sao?

* G.G.: Bọn phát-xít mới cũng có mặt trong cuốn sách đấy, trong đó có cậu con trai 17 tuổi của nhân vật chính, hắn muốn công khai những tổn thất của nước Đức lên Internet và sử dụng thảm họa của con tàu cho những mục đích riêng. Chính vì vậy mà tôi thấy cần làm rõ tấn thảm kịch của Wilhelm Gustlooff và không chỉ điều đó, mà cả cuộc đời xác thực của 3 con người thật là gã phát-xít Gustlooff mà con tàu mang tên, David Frankfurter (người Do Thái đã giết Gustlooff) và Alexandre Marinesko (chỉ huy chiếc tàu ngầm Xô-viết đã đánh đắm con tàu).

* I.J.:Nếu đã đề cập tới lịch sử: từ những năm 70 (thế kỷ trước), ở Đức thường xuyên có sự mổ xẻ quá khứ chiến tranh, hay sự nhìn thẳng vào chủ nghĩa phát-xít. Tuy nhiên, quá trình này cũng không diễn ra một cách tự động ở Đức, giống như ở Đông Âu, mọi việc không dễ hiểu ngay từ đầu...

* G.G.: Trực diện với quá khứ ở đâu cũng cần thiết. Tại Đức cũng có thể nhận thấy một mong muốn dễ hiểu là đánh dấu chấm cho cuộc tranh cãi này. Nhưng mỗi lúc như vậy, từ phía các trí thức, các nhà văn, các nhà sử học bao giờ cũng thấy xuất hiện một cú hích, buộc chúng tôi không thể quay mặt đi, mà phải làm rõ mọi chi tiết của thời kỳ phát-xít. Không chỉ những sự việc xảy ra ở Berlin thời đó, mà cả những ảnh hưởng của chúng tới cuộc sống hôm nay của chúng ta. Tôi không chỉ nghĩ tới nước Đức khi nói rằng việc xem xét quá khứ một cách phê phán là không thể bỏ qua, nếu không sẽ xuất hiện các khoảng trống mà những kẻ cực hữu sau này có thể lợi dụng. Nếu một dân tộc không bao giờ rơi vào tình cảnh phải hiểu và phán xét lại những tội lỗi của mình thì nó rất dễ mắc lại những lỗi lầm đó, lịch sử có thể tái diễn [nhấn mạnh của ND]. Có vẻ thật trớ trêu nhưng tôi nghĩ, thất bại hoàn toàn của nước Đức cuối Thế chiến thứ Hai cũng có mặt hữu ích của nó: chúng tôi buộc phải suy ngẫm lại quá khứ, phán xét lại những hành động đã làm và đánh giá lại bản thân mình. Những thế lực chiến thắng thường bỏ qua điều đó. Vì vậy tôi thường nói, chiến thắng làm ta ngu ngốc. Hãy xem một bằng chứng sống: cường quốc mạnh nhất thế giới, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cho đến hôm nay vẫn chưa thấu hiểu thất bại Việt Nam, và điều này nữa, một cuộc chiến phi lý có thể dẫn đến thảm họa cho cả một khu vực.

* I.J.:Giới trí thức Đức, các nhà văn, cụ thể cá nhân ông với tiểu thuyết "Cái trống thiếc", đã đóng vai trò như thế nào trong việc nhìn thẳng vào quá khứ? Khi ấy, những nhà văn có một trách nhiệm riêng gì không?

* G.G.: Cuối cuộc Thế chiến tôi mới 17 tuổi và muốn trở thành nghệ sĩ, làm những gì bị cấm đoán thời phát-xít. Nhưng sau một thời gian ngắn tôi ngộ ra rằng, vì cuộc đời tôi trước đó và gốc gác Gdansk của tôi, đề tài của tôi đã được định sẵn, và tôi không thể lẩn tránh nó được. Ngay cuốn sách đầu tiên của tôi đã nói về đề tài bị bưng bít vào thời đó: về Thế chiến thứ Hai. Tôi cũng đã phải học lấy điều này, những gì xảy ra ở nước Đức, đều đã diễn ra trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định và cần phải mô tả cả về cái hậu trường chính trị - lịch sử ấy. Nhưng tôi không trải nghiệm điều đó như một nhiệm vụ hay trách nhiệm, mà như một nhu cầu tự thân. Thế hệ chúng tôi không thể lẩn tránh việc phản ánh quá khứ phát-xít và cuộc Thế chiến thứ Hai.

* I.J.:Liệu có thể im lặng được chăng?

* G.G.: Không. Một trong những lý do thất bại của nền cộng hòa Weimar là không có đủ số người dân chủ để bảo vệ nó. Khi phát biểu ý kiến chính trị thì trước hết, tôi làm điều đó không với tư cách một nhà văn mà với tư cách một công dân. Viết văn chỉ là nghề của tôi, nhưng sự có mặt của công dân - citoyan - không thể thiếu được trong mọi nền dân chủ. Dân chủ là một tòa kiến trúc mong manh, nếu chúng ta không biết gìn giữ, rất dễ dàng đổ vỡ. Và vì thế mỗi chúng ta đều có phần trách nhiệm.

* I.J.:Nhân nói đến chính trị, mọi người đều biết, ông đóng một vai trò rất tích cực trong đời sống chính trị. Ông là cộng sự gần gũi của cựu thủ tướng Willy Brandt và có quan hệ thân hữu với nhiều chính khách đảng SPD. Đồng thời, ông cũng có thái độ phê phán mạnh mẽ cái gọi là "dân chủ xã hội mới"...

* G.G.: Vâng, tôi là người dân chủ xã hội, nhưng là người theo chủ nghĩa xét lại. Nghĩa là tôi luôn hoài nghi mọi thứ giáo điều. Trước đây, những người cộng sản coi xét lại là một từ húy kỵ, nhưng có lẽ chính vì vậy mà hệ thống ấy đã sụp đổ vì nó không cho phép khả năng phê phán và kiểm chứng.

* I.J.:Ông còn là thành viên của nhóm trí thức giúp thủ tướng Schroder. Ông có nghĩ các nhà văn, các nhà trí thức nên tránh xa các chính khách không?

* G.G.: Hãn hữu mới có chuyện một chính trị gia quả thực sẵn sàng nghe ý kiến của một trí thức, đặc biệt khi ý kiến ấy lại không trùng với ý kiến của ông ta. Cũng may là về mặt này Gerhard Schroder đã học được ở Brandt rất nhiều. Tôi cho rằng việc (chúng tôi) lắng nghe (ý kiến lẫn) nhau là rất quan trọng.

* I.J.:Tại Hungary cánh hữu thì chủ yếu nghe ý kiến của trí thức thân hữu, cánh tả thì nghe trí thức thân tả. Sự qua lại (giữa hai bên) không nhiều...

* G.G.: Theo chỗ tôi biết tình hình ở Hungary, vấn đề là ở chỗ khác: sự kỳ thị sâu sắc sắc dân Do Thái mà trong đó giới trí thức thân hữu có dự phần. Trong những điều kiện như vậy đối thoại quả thật là khó. Với những phần tử cực hữu mang nặng đầu óc tuyên truyền và những tư tưởng giáo điều rập khuôn thì những đối thoại như thế thật vô nghĩa. Tôi nghe nói một nhà văn Hung gốc Do Thái khó sống trong tổ quốc mình. Điều này có thể hơi quá, nhưng xét cho cùng chỉ người trong cuộc mới phán xét được. Sau những gì xảy ra trong thế kỷ vừa qua, phản ứng nhiều khi hơi quá mức đối với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang trỗi dậy là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng xin đừng nghĩ rằng, sự đối mặt với quá khứ ở Đức đã diễn ra dễ dàng. Năm 1961, khi Willy Brandt ra ứng cử thủ tướng thì Konrad Adenauer đã thử vô hiệu hóa bằng cách gắn cho ông cái nhãn lưu vong, ngoại lai, con vô thừa nhận... Các ấn bản của Nhà xuất bản Springer lập tức tung hô những "tội" ấy và phát tán khắp nơi.

* I.J.:Trước đây, ông không tán thành việc thống nhất nước Đức. Liệu có thể thống nhất theo cách khác chăng?

* G.G.: Tôi ủng hộ thống nhất, có điều không phải theo cách như các nhà chính trị đã nghĩ. Một bên là sự đầu hàng toàn diện, và đâu đâu cũng lấy các khuôn mẫu phương Tây. Hậu quả còn nghiêm trọng hơn tôi dự đoán vào thời điểm đó. Họ đã làm phá sản nhiều vùng, nhiều ngành công nghiệp, 90% tư liệu sản xuất đã rơi vào tay phương Tây, tôi chỉ ngạc nhiên sao tỉ lệ thất nghiệp lại không cao gấp đôi hiện nay. Đến nay vẫn chưa có Hiến pháp mới, trong khi luật cơ bản đã qui định điều này. Theo tôi - lúc đầu chính Helmut Kohl cũng đã có ý tưởng này - trước hết phải lập ra một liên bang, trong đó hai bên cùng giải quyết những vấn đề quan trọng nhất, nhưng vẫn tồn tại hai nước. Sau vài năm chuyển tiếp mới tiến hành thống nhất. Ngày nay đã có thể thấy việc đưa đồng Mark Tây Đức vào ngay lúc đó lợi bất cập hại đối với Đông Đức. Việc thống nhất nước Đức đã trật ray, có điều các chính khách chưa dám thú nhận mà thôi. Họ cố biện minh rằng chỉ làm cách đó mới tránh được làn sóng di cư ồ ạt người Đông Đức sang phía Tây. Nhưng hiện nay các thành phố phía Đông như Leipzik, Dresden gần như trống rỗng, còn ở lại toàn là các ông bà già.

* I.J.:Các nhà văn Hungary thì ngày một sáng giá, Kertész Imre, Esterházy Péter, Nádas Péter và những người khác gặt hái hết thành công này tới thành công khác trên đất Đức. Theo ông điều đó là nhờ yếu tố nào?

* G.G.: Trước hết bởi họ là những nhà văn có tài. Tôi quen biết nhiều người trong số họ. Nhiều người sống ở Berlin, điều đó rất quan trọng, nó mang lại cho họ một cái nhìn Châu Âu. Họ là những người Hung không lẫn vào đâu được, nhưng họ cũng dễ hiểu đối với các dân tộc khác. Konrád György đã lãnh đạo thành công Viện Hàn lâm Nghệ thuật Berlin trong nhiều năm với sự nhạy cảm của nhà ngoại giao, óc hài hước và nhiệt tình hiếm thấy. "Không số phận" của Kertész Imre đã thành công trước tiên ở Đức: người Đức bao giờ cũng nhạy cảm với đề tài holocaust, nhưng Kertész Imre đã viết về những nỗi khủng khiếp mà không lên án dân tộc Đức, văn ông không chỉ động chạm đến mà còn làm biến đổi tâm thức người đọc.

* I.J.:Năm 1999 ông đã nhận giải Nobel Văn chương, điều này ảnh hưởng ra sao tới cuộc sống của ông? Lời nói của ông có trọng lượng hơn trước chăng?

* G.G.: Trước hết tôi đã phải học từ chối. Tôi muốn tiếp tục viết và vẽ, đó là những nghề cổ lỗ, cần nhiều thời gian. Tôi nhận giải Nobel khá muộn, khi đã 72 tuổi, trong khoảng hai chục năm trước đó năm nào tôi cũng nghe cánh nhà báo nói cuộc bình chọn rất sát nút, chỉ thiếu chút nữa là họ đã chọn tôi. Rốt cục, khi được trao giải thì tôi đã học được cách hành xử mang tính khôi hài. Còn về chuyện trọng lượng lời nói thì khi chúng tôi lên tiếng bênh vực một nhà văn bị xua đuổi, hoặc đưa ra một kiến nghị nào đó, chữ ký của một văn sĩ được giải Nobel coi có vẻ sang hơn, và cũng có thể nó thúc đẩy sự việc tiến triển nhanh hơn.

* I.J.:Bận rộn như thế ông còn thời gian đọc sách không?

* G.G.: Có chứ, tôi rất ham đọc. Tất nhiên có những thứ tôi đọc vì công việc, có những thứ tôi đọc vì tò mò. Tôi quan tâm xem các nhà văn trẻ viết những gì, nhưng lượng ấn phẩm ngày nay nhiều đến nỗi tôi chỉ có thể đọc theo cách lựa chọn ngẫu nhiên một vài cuốn trong số đó. Và ở tuổi tôi, có những tác phẩm tôi đã đọc tới 3-4 lần, thí dụ những tản văn của Montaigne hay "Henrik IV" của Heinrich Mann, mà ông viết trong thời gian lưu vong về chiến tranh tôn giáo Pháp, nhưng mang nhiều âm hưởng vọng tới thời đại ông, tới các cuộc đấu tranh tư tưởng thời đó, tới chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát-xít.

* I.J.:Đa số dân Hung không biết ông không chỉ là một nhà văn, nhà thơ, mà còn là một nhà điêu khắc, đồ họa và nhảy múa rất giỏi. Phải chăng ông cho rằng đôi khi ngôn từ không đủ để diễn tả thế giới?

* G.G.: Tôi đã thừa hưởng được của mẹ nhiều khả năng và tôi không thấy có lý do gì để bỏ qua bất cứ khả năng nào. Tôi không bao giờ hoài nghi mình trước hết là nhà văn, nhà điêu khắc và đồ họa. Lúc tôi làm việc này, lúc lại làm việc khác, có khi đồng thời làm tất cả, đôi lúc việc nọ bổ sung cho việc kia. Mấy năm trước vợ tôi ở Ấn Độ, những điều kiện xã hội ở đó làm tôi thấy ngôn từ bất lực, tôi chỉ có thể vẽ. Các bức vẽ đã giúp tôi tìm lại được ngôn từ.

(Berlin, tháng Tư 2004)

Giáp Văn Chung dịch theo bản tiếng Hung


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn