"NGÀY MỐT", MỘT TIẾNG CHUÔNG CẢNH TỈNH VỀ VẤN ĐỀ BẢO VỆ VÀ GÌN GIỮ MÔI SINH

Thứ sáu - 04/06/2004 22:37

(NCTG) "Bộ phim này là một câu chuyện cổ tích - với những pha hành động ngoạn mục, những hiệu ứng thị giác tuyệt vời - về sự sinh tồn và chủ nghĩa anh hùng" - nhà sản xuất Mark Gordon.

Một cảnh ấn tượng, nhưng hãi hùng, trong bộ phim "Ngày mốt"

Tình trạng trái đất ấm lên nhanh chóng trong một vài thập niên gần đây, và kèm theo đó là "hiệu ứng nhà kính" (HƯNK*) bị gây ra bởi những khí thải công nghiệp, là một trong những vấn đề môi sinh cấp bách mà nhân loại phải xử lý trong thời đại kỹ thuật ngày nay. Không phải ngẫu nhiên mà trong các hội nghị khoa học với sự tham gia của các khoa học gia hàng đầu thế giới, nhiều người đã cho rằng trái đất đang bị đe dọa lâm vào một tình trạng chưa từng có, vì hệ thống khí hậu nhạy cảm hơn nhiều so với những gì nhân loại đã ý thức được. Theo Nghị định thư Kyoto, các nước công nghiệp đã cam kết cắt giảm 5,2% lượng khí thải gây HƯNK so với năm 1990, nhưng điều trớ trêu là Hoa Kỳ, nước thải ra nhiều khí độc hại nhất, lại tuyên bố rút khỏi Nghị định, và các nước công nghiệp phát triển khác cũng không mấy tuân thủ Nghị định này.

Sự gia tăng nhiệt độ trái đất do HƯNK có tác động mạnh mẽ tới nhiều mặt của môi trường trái đất. Nhiệt độ trái đất tăng sẽ làm tan băng và dâng cao mực nước biển. Như vậy, nhiều vùng sản xuất lương thực trù phú, các khu đông dân cư, các đồng bằng lớn, nhiều đảo thấp sẽ bị chìm dưới nước biển. Sự nóng lên của trái đất làm thay đổi điều kiện sống bình thường của các sinh vật trên trái đất. Một số loài sinh vật thích nghi với điều kiện mới sẽ thuận lợi phát triển. Trong khi đó nhiều loài bị thu hẹp về diện tích hoặc bị tiêu diệt. Khí hậu trái đất sẽ bị biến đổi sâu sắc, các đới khí hậu có xu hướng thay đổi. Toàn bộ điều kiện sống của tất cả các quốc gia bị xáo động. Hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều loại bệnh tật mới đối với con người xuất hiện, các loại dịch bệnh lan tràn, sức khỏe của con người bị suy giảm.

Như vậy, ở những năm đầu của thiên kỷ thứ ba này, bên cạnh chiến tranh, khủng bố và những bất đồng, đụng độ sắc tộc, tôn giáo, tính ngưỡng, thì môi sinh cũng là một vấn nạn mà loài người đang phải đối đầu. Vấn nạn ấy cũng được thể hiện trong phim ảnh, một bộ môn vốn dĩ có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của con người, thông qua những hình ảnh đặc biệt gây ấn tượng. Gần đây nhất, là "Ngày mốt" (The Day After Tomorrow), một bộ phim lớn mô tả sự thay đổi đột ngột của khí hậu toàn cầu, gây ra sự tàn phá thảm khốc ở trái đất.

*

Phim thảm họa - đặc tả những hiểm họa thiên nhiên tàn phá con người và thế giới - vốn đã có một vị trí nhất định trong lịch sử điện ảnh thế giới. Khởi đầu từ những bộ phim kinh điển cách đây vài chục năm như "The Poseidon Adventure" (1972), thể loại phim này nở rộ trong những năm gần đây với "Outbreak" (1995), "Independence Day" (1996), "Armageddon" (1998), "Deep Impact" (1998)... với sự hủy diệt đôi khi không còn bó gọn trong phạm vi một vùng, mà lan rộng ra một quốc gia, hoặc toàn cầu. Tuy nhiên, trong số ấy, thì "Ngày mốt" có một nội dung và ý nghĩa đặc biệt.

Giả tưởng, nhưng rất có thể sẽ trở thành sự thật trong tương lai...

Được làm với kinh phí lớn và nhiều hiệu ứng điện ảnh đặc biệt, ngoạn mục, "Ngày mốt" nói về những tác động của HƯNK và hiện tượng trái đất nóng dần lên, dẫn đến sự biến động của thời tiết với hàng loạt các cơn bão, lũ, động đất, sóng thần... có nguy cơ đưa trái đất trở về thời kỳ băng hà. Trung tâm của phim là chuyện về một nhà nghiên cứu về thời tiết, giáo sư Adrian Hall: với những nghiên cứu mang tính dự phóng và tiên tri, ông đã nhận thấy và cảnh báo các quan chức chính phủ về hiểm họa này. Tuy nhiên, ý kiến của vị giáo sư trẻ đã không được chính giới chia sẻ, cho dù những dấu hiệu của nó rất rõ rệt. Kỷ băng hà mới đã đến rất nhanh, nhanh hơn mọi dự đoán của các nhà khoa học, và trước đó là một cơn bão khổng lồ tràn qua nước Mỹ, tiêu hủy New York và các vùng phụ cận.

Trong khi Jack Hall tìm cách thuyết phục (nhưng vô hiệu) Tòa Bạch ốc về hiểm họa đang đến gần và những biện pháp dự phòng cần thiết, thì Sam, con trai 17 tuổi của ông, tham dự một cuộc thi cùng bạn bè ở New York City. Trước những cơn bão tố, sóng thần và băng giá đến rất đột ngột trong thành phố, Sam cùng đoàn người trong cơn hoảng loạn đã tìm nơi "trú ẩn" tại Thư viện Công cộng New York (Manhattan). Bị cắt đứt toàn bộ liên lạc với bên ngoài, Sam chỉ kịp nghe một lời nhắn của cha qua điện thoại: "Hãy ở lại trong thư viện, tuyệt đối không được ra ngoài, và chờ cha đến". Và cậu đã chờ...

Giáo sư Jack Hall, bất chấp thời tiết khắc nghiệt và những hiểm họa dọc đường, đã đi bộ về New York để cứu đứa con (ông là người duy nhất trở ngược lên miền Bắc, trong khi tất cả xuôi về phía Nam để lánh nạn). Cho dù khi ấy, có lẽ chính ông cũng chưa ý thức được rằng điều gì đang đón chờ ông, và có lẽ, cả nước Mỹ...

*

"Ngày mốt" được quảng cáo như một tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Roland Emmerich, tác giả "Ngày độc lập", một bộ phim thảm họa với đề tài đen tối: trái đất bị những kẻ ngoài hành tin tấn công và hủy diệt. Tuy nhiên, "Ngày mốt" vẽ nên một bức tranh còn đen tối hơn, khi nhân loại bị hủy diệt bởi một kẻ thù kinh khủng hơn, khó lường hơn: thiên nhiên, đã bị chính bàn tay con người phá hoại, nay quay trở lại "phục thù".

Nội dung của "Ngày mốt" rất gần với những yếu tố thực tế. Mùa xuân năm 2004, tòa Ngũ Giác Đài công bố một tờ trình, trong đó các nhà khoa học - sau khi nghiên cứu những hậu quả có thể xảy ra của sự biến đổi khí hậu trên thế giới - đã đưa ra đề nghị cho một chuỗi những biện pháp dự phòng. Qua bản báo cáo này, có thể thấy rõ rằng Hoa Kỳ rất để tâm đến những thay đổi đột ngột và đột biến của khí hậu thế giới, xuất phát từ sự gia tăng của nhiệt độ trên phạm vi toàn cầu. Như thế, rất có thể, nội dung bộ phim "Ngày mốt" không hề là ý tưởng có phần điên rồ của vài nhà làm phim, mà, tiếc thay, lại là một khả năng hiện thực.

Như phần lớn các phim thảm họa khác, "Ngày mốt" rất mạnh về những kỹ xảo điện ảnh gây ấn tượng, cũng như những pha hoành tráng (cảnh các cơn bão nối tiếp nhau tràn vào New York, bao phủ các tòa nhà lớn, cảnh đường phố đóng băng, cảnh bức tượng Nữ thần Tự Do chìm trong biển nước và băng, cũng như các cảnh tàn phá của thiên nhiên...) Tuy nhiên, "Ngày mốt" sẽ không thể đạt được thành công lớn, nếu nó không có những mẩu chuyện, những mối quan hệ đượm tình người, như chính đạo diễn Roland Emmerich đã khẳng định. Quan hệ giữa người cha (giáo sư Jack Hall) và người con (chàng học sinh Sam) không phải là không có những đụng độ, mâu thuẫn, nhưng vẫn tràn đầy tình thương yêu và đó chính là điểm khiến khán giả bộ phim có thiện cảm với "Ngày mốt". Và, thông qua những cố gắng của giáo sư Jack Hall, cũng như các đồng nghiệp của ông trong cuộc chiến - nhiều khi tưởng vô vọng - chống lại thiên tai cuồng bạo, những gì được khắc họa trên màn ảnh có lẽ cũng chính là một phần của cuộc chiến sinh tồn vĩnh cửu của nhân loại trước thiên nhiên, một đối thủ bất trị của loài người.

Bên cạnh cái nền đen tối bao trùm của hiểm họa, "Ngày mốt" cũng có những cảnh nhẹ nhàng và lắng đọng, như tình cảm của những người bạn, người yêu trước mối hiểm nguy tưởng chừng không có lối thoát. Đối với nhiều người, hình ảnh hài hước của chàng vô gia cư da đen với chú chó quấn quít không rời, hoặc cảnh trong thư viện New York - mọi người đi xuống tầng dưới lấy sách đốt lên sưởi ấm chống giá rét, trong khi một bác già xuýt xoa tiếc rẻ cho cuốn triết học thì cậu bé da đen rất hồn nhiên bảo "theo ý tôi, ở dãy này toàn sách về luật thuế má, chúng ta có thể đốt được!" -, là những "xen" rất ấn tượng và đáng nhớ.

Tuy nhiên, điều gì đọng lại trong óc người thưởng ngoạn sau khi đã ra về từ rạp phim? Câu trả lời có lẽ đơn giản: một bài học về cách xử thế, giữa con người và thiên nhiên (trong hoàn cảnh bình thường), cũng như giữa con người và con người (trong hoàn cảnh đặc biệt).

Hoàn toàn có thể khẳng định được rằng "Ngày mốt" là một bộ phim lớn và đáng xem! (Ở Hung cũng như trên toàn thế giới, phim đã được công chiếu từ ngày 27-5 qua).

Ghi chú:

(*) Hiệu ứng nhà kính là kết quả của sự của sự trao đổi không cân bằng về năng lượng giữa trái đất với không gian xung quanh, dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ của khí quyển trái đất.

(**) Sự gia tăng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của loài người đang làm cho nồng độ khí CO2 của khí quyển tăng lên. Sự gia tăng khí CO2 và các khí nhà kính khác trong khí quyển trái đất làm nhiệt độ trái đất tăng lên. Theo tính toán của các nhà khoa học, khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng gấp đôi, thì nhiệt độ bề mặt trái đất tăng lên khoảng 3oC. Các số liệu nghiên cứu cho thấy nhiệt độ trái đất đã tăng 0,5oC trong khoảng thời gian từ năm 1885 đến năm 1940 do thay đổi của nồng độ CO2 trong khí quyển từ 0,027% đến 0,035%. Dự báo, nếu không có biện pháp khắc phục hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên 1,5 - 4,5oC vào năm 2050. (Theo các tư liệu khoa học)

H.Linh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn