“BÓNG” - MỘT THÔNG ĐIỆP NHÂN VĂN

Thứ hai - 28/07/2008 19:18

(NCTG) Đâu là điểm chung giữa những cái tên Plato, Michelangelo, Leonardo da Vinci, Federico García Lorca, Allen Ginsberg, Arthur Rimbaud, Paul Verlaine, André Gide, Marcel Proust, Oscar Wilde, Elton John, George Michael, Xuân Diệu..., những nhân vật đã có đóng góp không thể phủ nhận cho lịch sử văn hóa và văn minh nhân loại?

Câu trả lời có lẽ bất ngờ đối với nhiều người: đó đều là những người đồng tính (ĐT), hoặc chí ít, có quan hệ tình dục với người cùng phái!

1."Bóng - tự truyện của một người đồng tính" do hai nhà báo Hoàng Nguyên và Đoan Trang chấp bút (NXB Văn học cùng Công ty cổ phần sách Giao Điểm - DOMINO phối hợp phát hành), theo lời kể của Nguyễn Văn Dũng, sáng lập viên nhóm Thông Xanh (nhóm tự lực của người ĐT tại Hà Nội), "là một cuốn tự truyện đặc biệt, ở chỗ lần giở mỗi trang của nó, bạn đọc sẽ chứng kiến một thế giới của tình yêu dữ dội và đầy ám ảnh giữa… những người đàn ông".

Như lời bạt của hai tác giả, "được viết dựa trên lời kể của một người đồng tính nam, “Bóng” có 80% là sự thật, 20% còn lại là sự thật được viết theo cách nhẹ nhàng hơn để giảm đi phần khốc liệt. Nhưng đằng sau tất cả những dằn vặt, giằng xé nội tâm, những cơn ghen tuông mê mị, những khao khát bị kìm hãm, là lời tâm sự mà tất cả những người đồng tính đều từng thốt ra hơn một lần trong đời: "Chúng tôi không muốn là người đồng tính. Xin hãy thông cảm với những số phận như chúng tôi".

Mặc dù chỉ được chính thức ra mắt trong những ngày đầu tháng Tám tới, nhưng qua một số trích đoạn được đăng tải trên báo “Tiền Phong”, cuốn sách đã được bàn tán sôi nổi trong giới blogger và những người quan tâm đến đề tài đồng tính (ĐT). "Bóng..." cũng được thảo luận tại một số diễn đàn trên mạng của người ĐT và nhìn chung, đã nhận được thiện cảm từ đông đảo thành viên các forum này.

Phải chăng, lý do khiến cuốn sách do hai tác giả (dị tính) chấp bút về một người đồng tính có được thành công ban đầu ấy, ngoài công sức lao động nghệ thuật nghiêm cẩn, sự đầu tư thời gian thỏa đáng của họ, còn do thông điệp, vấn đề mà cuốn sách muốn đặt ra: "Thông điệp của cuốn sách chắc chắn sẽ đọng lại mãi trong trái tim bạn đọc. Cũng như những câu chuyện mà nó kể sẽ khiến bạn không quên, cho dù bạn có thể chẳng bao giờ phải trải qua những chuyện như thế dẫu chỉ một lần trong đời" (lời bạt của "Bóng")?

2. Những năm gần đây, ĐT không còn là khái niệm quá "cấm kỵ" trong xã hội Việt Nam. Một số vấn đề của người ĐT đã được báo chí và các phương tiện truyền thông Việt Nam thường xuyên đề cập tới một cách cởi mở hơn, tuy không phải bao giờ cũng chính xác trong các quan niệm và khách quan, khoa học trong sự nhìn nhận. Một số tác phẩm đầu tiên với đề tài là người ĐT cũng đã được ra mắt, như “Một thế giới không có đàn bà” (Bùi Anh Tấn), “1981” (Nguyễn Quỳnh Trang), "Những đống lửa trên vịnh Tây Tử" (Trang Hạ)...

Tuy nhiên, phải nói là trên báo chí, sách vở, đề tài người ĐT và ĐTLÁ thường được tiếp cận, và gắn liền với những yếu tố hình sự. Khác với quan điểm “hình sự hóa” ĐTLÁ, "Bóng" đi sâu vào mảng đời riêng tư đầy ám ảnh của những người “mang tâm hồn phụ nữ trong thân xác đàn ông, cả đời chỉ mơ một lần mặc váy cưới lên xe hoa”, với những tình cảm yêu ghét, những khổ đau, hờn giận, và cả những tủi nhục, những bi kịch khi phải giấu giếm bản thân, phải sống đời sống hai mặt...

Cho dù mang nhiều yếu tố éo le, kịch tích và bạo liệt, “Bóng” là sự phản ánh khá trung thành cuộc sống của một nhân vật có thật, và tránh được những mô-típ thường gặp trên sách báo khi nhắc đến người ĐT (đâm chém, lường gạt, nghiện hút…) Yếu tố xác tín, không “tiểu thuyết hóa” sự việc, tránh “tô hồng” và “bôi đen”, là điểm son của cuốn sách này.

3. Nếu là một người dị tính, bạn có thể đọc "Bóng" theo đôi ba cách.

Chẳng hạn, như một kẻ tò mò về cuộc sống, tâm tư tình cảm và sinh hoạt của một nhóm người tồn tại bên cạnh bạn, có thể chiếm thiểu số trong xã hội, nhưng càng ngày càng có nhu cầu bày tỏ, sống thật với mình, với thiên hướng tính dục của mình.

Để rồi, tùy sự trải nghiệm, vốn sống, tùy khả năng xử lý và tiếp nhận thông tin, bạn sẽ tự rút được cho mình những suy nghĩ, những kết luận riêng về người ĐT.

Bạn cũng có thể đọc "Bóng" để tìm về những hình ảnh, những hoài niệm quá khứ của Hà Thành một thuở, thông qua "những góc khuất trong cuộc sống và nội tâm của giới đồng tính" ("Tiền Phong") được các tác giả tái dựng rất đẹp, rất đáng tin cậy.

Để rồi tự vấn bản thân: bạn đã thực sự thấu hiểu, thật sự khoan dung và thể tất về người ĐT, những con người đã cùng bạn sống qua những thời khắc cam go của đất nước, đã có những cống hiến cho xã hội không hề thua kém bạn, nhưng đến giờ vẫn hay phải chịu những cái nhìn theo hướng tiêu cực, vương vấn màu sắc định kiến?

Bởi lẽ, nói đến người ĐT là phải nhắc đến con đường gian nan, hàm chứa vô vàn những bi kịch cá nhân và xã hội, để được thừa nhận và được đối xử trong tinh thần tôn trọng, khoan dung!

4. Để có được sự hành xử đẹp đẽ ấy, xã hội còn phải nỗ lực rất nhiều, và nỗ lực ấy phải được coi là cố gắng chung của cả người ĐT lẫn dị tính.

Nguyễn Văn Dũng, nhân vật chính của "Bóng", đã trải qua một chặng đường khổ ải rất dài, từ khi nghĩ rằng mình bệnh hoạn, đến lúc ý thức được rằng về căn bản, người đồng tính bình thường về sức khỏe, trí tuệ, chỉ khác về khuynh hướng tính dục bẩm sinh là thích người cùng giới.

Cho đến khi, anh can đảm "lộ mình", sống thực với mình và "dám" lên tiếng khẳng định với những người quanh anh: "Đồng tính luyến ái có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, trong bất kỳ giai tầng nào, xã hội nào. Đồng tính không phải sự đua đòi, cũng không phải hậu quả của bản tính ủy mị, yếu đuối, kém bản lĩnh. Đồng tính không lây. Không có virus đồng tính luyến ái! Đồng tính không phải một căn bệnh. Xin đừng xem chúng tôi như những con bệnh".

Tiếng nói ấy của Dũng có thể là mới, là lạ với người Việt, nhưng thực sự đã trải qua sự kiểm định nghiêm túc của giới khoa học quốc tế từ mấy thập niên nay.

Năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) - hội tâm thần học lâu đời, lớn và uy tín bậc nhất thế giới - đã loại đồng tính luyến ái (ĐTLÁ) khỏi Danh sách các Triệu chứng và Bệnh rối loạn Tâm thần. Gần 20 năm sau, năm 1992, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra quan điểm tương tự khi loại "bệnh" ĐTLÁ khỏi Danh sách Phân loại các Chứng bệnh trên Thế giới.

Đặc biệt, sau những nghiên cứu sau đó, cho thấy ngoài yếu tố văn hóa và trải nghiệm tính dục thì di truyền (gene) - với tư cách một quy định sinh học nơi người ĐT - là một tác nhân rất đáng kể trong ĐTLÁ, có thể thống nhất rằng nói chung, ĐTLÁ không phải là một căn bệnh về tâm, sinh lý, mà cũng không phải là sự "bệnh hoạn" trên khía cạnh đạo đức xã hội.

5. "Xã hội không chấp nhận thì chúng cháu vẫn tồn tại, thưa cô", câu nói nghẹn ngào của Nguyễn Văn Dũng trả lời phát biểu của một nữ đại biểu khi bà này gắn liền ĐTLÁ với những "tệ nạn" như "đua đòi, đồi bại, phi đạo đức, ma túy, nghiện hút, mại dâm, AIDS...", cho thấy rằng đã đến lúc, xã hội và các thành viên dị tính của nó cần có cái nhìn "thoáng" hơn, chuẩn xác hơn về hiện tượng ĐTLÁ và người ĐT.

Chính Nguyễn Văn Dũng cũng thổ lộ: ĐTLÁ không phải lựa chọn của những người như anh, nếu được lựa chọn, lúc nào các anh cũng mơ về một mái ấm gia đình, mơ sống cho bằng người, bằng bạn bằng bè chứ chẳng ai muốn lâm vào cảnh trớ trêu như thế.

Bản thân "Bóng" không hề là một cuốn sách "cổ vũ cho một trào lưu" như ai đó đã lo ngại, mà thực chất, nó chứa chở một thông điệp nhân văn: người ĐT không có lỗi trước khuynh hướng giới tính của họ, họ cần được chấp nhận một cách bình đẳng, với sự hiểu thông và khoan dung phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Nếu được đọc và chia sẻ theo cách ấy, có thể tin chắc rằng bạn đọc sẽ cảm thấy yêu thích “Bóng” và tâm đắc với những gì mà cuốn sách muốn đề cập!

Nguyễn Hoàng Linh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn